Phát triển du lịch trên cơ sở tôn vinh di sản - bảo tồn văn hóa - phát triển xanh, bền vững

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ kỳ vọng du lịch Điện Biên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có những bước đi thần tốc trên cơ sở tôn vinh di sản - bảo tồn văn hóa - phát triển xanh, bền vững.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-1710734986.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TITC

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ ngày 17/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Chính phủ kỳ vọng du lịch Điện Biên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có những bước đi thần tốc trên cơ sở tôn vinh di sản - bảo tồn văn hóa - phát triển xanh, bền vững”.

Phó Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch có chuyển biến tích cực; các chương trình, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch; Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế như thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ; Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 850.000 tỷ đồng, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch mà Đảng và Nhà nước giao phó, tại Hội thảo ngày hôm nay, UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cần trao đổi, làm rõ các vấn đề, các mặt ưu điểm, thuận lợi cần phát huy và các mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục của du lịch Điện Biên nói riêng, lan tỏa du lịch vùng Tây Bắc nói chung và đóng góp vào nỗ lực phát triển du lịch Việt Nam bền vững.

bo-truong-hung-1710735073.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hội thảo là cơ hội để chia sẻ, trao đổi với nhau về những xu hướng mới trong phát triển du lịch, những cơ hội và thách thức phát triển du lịch Điện Biên theo hướng bền vững. Ảnh: TITC

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Hội thảo là cơ hội để chia sẻ, trao đổi với nhau về những xu hướng mới trong phát triển du lịch, những cơ hội và thách thức phát triển du lịch Điện Biên theo hướng bền vững, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển du lịch nhanh và bền vững. Đây cũng là sự kiện quan trọng mở đầu cho Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trước thực dân Pháp. Chiến thắng này đã ghi vào lịch sử thế giới một trang vàng về ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân Việt Nam. Ngày nay, Điện Biên không chỉ nổi tiếng với chiến thắng lịch sử mà còn là một địa danh du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo. Những năm qua, du lịch Điện Biên đã có bước phát triển. Lượng khách du lịch đến với Điện Biên ngày càng tăng, từ 480 nghìn lượt khách năm 2016 lên đến lần đầu đạt mốc đón 1 triệu lượt khách năm 2023. Doanh thu du lịch cũng tăng trưởng đều, đạt 1.700 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của Điện Biên vẫn chưa được khai thác hiệu quả và xứng tầm giá trị. 

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, phân tích hiện trạng cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, hợp tác liên kết phát triển du lịch, cũng như khả năng tiếp cận và trải nghiệm của du khách. Đồng thời, cần xem xét đến các thách thức, rào cản đang cản trở sự phát triển của du lịch Điện Biên, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục. Định hướng phát triển du lịch tại tỉnh Điện Biên gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên lợi thế cạnh tranh, độc đáo, khác biệt của Điện Biên; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, cần trao đổi sáng kiến và giải pháp phát triển du lịch Điện Biên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ cấp quản lý đến cộng đồng địa phương, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững của du lịch Điện Biên.

bi-thu-dien-bien-1710735272.jpg
Ông Trần Quốc Cường - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - phát biểu tại Hội thảo

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo đã nêu rõ, theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa... phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Điện Biên trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo, các ý kiến, tham luận cho rằng Điện Biên cần phát huy vai trò của văn hóa, lịch sử trong phát triển du lịch; chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và du lịch văn hóa, lịch sử nói riêng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Tỉnh cũng cần xây dựng các sản phẩm du lịch trình diễn với các bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc; chú trọng sự khác biệt của sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm thực tế tại các bản làng văn hóa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo lập môi trường du lịch thân thiện, an toàn, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa…

Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, là Hội thảo có tính chuyên môn cao và mang tính định hướng về phát triển du lịch cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới.

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-trien-du-lich-tren-co-so-ton-vinh-di-san-bao-ton-van-hoa-phat-trien-xanh-ben-vung-a32337.html