Điền kinh Việt Nam hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic

Đội tuyển điền kinh Việt Nam kết thúc SEA Games 31 đại thắng với thành tích 22 huy chương vàng (vượt chỉ tiêu 7 huy chương vàng). Đây cũng là con số huy chương vàng kỷ lục mà Điền kinh Việt Nam giành được tại một kỳ SEA Games, để tiếp tục khẳng định ngôi vị số 1 Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phụ trách bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao), Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - đã trao đổi với báo chí và khẳng định, thành công này cũng chính là áp lực để Điền kinh nước nhà hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic trong tương lai.

oanh-panh-1653487844.jpg
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh và Khuất Phương Anh ăn mừng chiến thắng giành huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: Q.L

Điền kinh đã giành 22 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng, qua đó vượt qua Thái Lan (12 huy chương vàng) và giành ngôi nhất toàn đoàn. Ông có đánh giá như thế nào về thành tích này và ấn tượng nhất với tấm huy chương vàng nào tại SEA Games 31?

Đây là lần đầu tiên, Điền kinh Việt Nam giành hơn 20 huy chương vàng trong một kỳ Đại hội thể thao của khu vực. Thành tích tốt nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam trước khi SEA Games 31 diễn ra là 17 huy chương vàng tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines.

Kết quả này đánh giá đúng thực lực của các vận động viên. Họ đã thi đấu nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân để giành được những tấm huy chương vàng ở nhiều cự ly.

Cụ thể, Lương Đức Phước (1.500m nam), Nguyễn Văn Lai (5.000m), Nguyễn Văn Lai (10.000m), Lê Tiến Long (3.000m chướng ngại vật), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam), Nguyễn Thị Huyền (400m nữ), Khuất Phương Anh (800m nữ), Nguyễn Thị Oanh (1.500m nữ), Nguyễn Thị Oanh (5.000m nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ), Quách Thị Lan (400m rào nữ), Nguyễn Thị Oanh (3.000m chướng ngại vật nữ), Phạm Thị Diễm (nhảy cao nữ), Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa nữ), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000m nữ), Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), tiếp sức 4x400m nữ, Hoàng Nguyên Thanh (marathon nam), Võ Xuân Vĩnh (đi bộ 20km nam), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ).

Trong số này, ấn tượng nhất là tấm huy chương vàng marathon (42,195km) của Hoàng Nguyên Thanh tại SEA Games 31. Chưa bao giờ, Điền kinh Việt Nam có được tấm huy chương vàng ở cự ly khốc liệt này.

Đáng chú ý, có 2 kỷ lục của SEA Games được phá thuộc về vận động viên Nguyễn Thị Oanh - 3.000m chướng ngại vật nữ. Kỷ lục thứ 2 là vận động viên Lò Thị Hoàng cũng tạo ra bất ngờ thú vị khi giành Huy chương vàng ném lao với thành tích 56,37m, phá kỷ lục cũ của SEA Games là 55,97m...

Bên cạnh đó là tấm huy chương vàng 7 môn phối hợp nữ của cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na giành được sau 17 năm chờ đợi. Hay tấm huy chương vàng chạy 100m rào nữ của vận động viên Bùi Thị Nguyên với thời gian 13 giây 51.

Vận động viên Nguyễn Thị Huyền xuất sắc giành 3 huy chương vàng liên tiếp tại SEA Games để nâng tổng thành tích có tổng cộng 10 huy chương vàng SEA Games trong sự nghiệp thi đấu của mình.

oanh-1653487989.jpg
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 3 huy chương vàng cá nhân, phá 1 kỷ lục quốc gia tại SEA Games 31. Ảnh: Q.L

Có ý kiến cho rằng, Đoàn Việt Nam trong đó có môn Điền kinh Việt Nam vượt trội chỉ tiêu huy chương là do có lợi thế là nước chủ nhà. Ông có thể lý giải về điều này?

Ngay trước SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam đã truyền đi thông điệp rõ ràng về việc đưa SEA Games 31 thành một sân chơi công bằng, cạnh tranh sòng phẳng, rõ tinh thần fair play (chơi đẹp), vì vậy ưu tiên các môn thi đấu tại ASIAD, Olympic. Không có ưu đãi gì cho đoàn chủ nhà ngoài lợi thế sân nhà, khán giả nhà. Vận động viên Việt Nam phải chiến thắng đối thủ bằng thực lực chứ không phải nhờ yếu tố khách quan.

Nếu có thì do những yếu tố khách quan như các vận động viên Việt Nam được chuẩn bị kỹ càng, tập luyện tập trung trong một thời gian dài, trong khi vận động viên nhiều nước như Philippines, Singapore, Indonesia hay Malaysia gần như không có điều kiện tập luyện vì đại dịch COVID-19. 

Sau thành công của SEA Games 31, Điền kinh Việt Nam sẽ có những bước chuẩn bị gì cho các sân chơi lớn hơn như ASIAD hay Olympic?

Thành công của Điền kinh một lần nữa khẳng định hướng đi đúng trong việc đầu tư của Thể thao Việt Nam. Để có được thành tích tại SEA Games 31 vừa qua, Điền kinh Việt Nam đã đầu tư trọng điểm cho các vận động viên tiềm năng đi tập huấn nước ngoài, thuê huấn luyện viên ngoại…

Tuy nhiên, để có huy chương tại các giải đấu lớn như ASIAD hay Olympic, Điền kinh Việt Nam đã và đang đặt ra những mục tiêu xa hơn cho lộ trình phát triển thời gian tới.

Do ASIAD 2022 dự kiến diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 9 năm nay đã bị hoãn và chưa biết bao giờ tổ chức trở lại nên trước mắt, các vận động viên được nghỉ ngơi ít ngày và tập trung trở lại vào tháng 6 tới. Khi Đoàn Thể thao Việt Nam có thông tin tập trung tổng kết thì đội tuyển sẽ trở lại.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chuẩn bị SEA Games 31 nên gần 2 năm qua, các tuyển thủ, huấn luyện viên không được về nhà. Đây là dịp họ gặp gỡ người thân và chung vui với những kết quả đã đạt được.

Trân trọng cảm ơn ông!

N.Hà

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/dien-kinh-viet-nam-huong-den-dau-truong-asiad-va-olympic-a3200.html