Trải nghiệm mới qua các giải thể thao
Vừa qua, giải Marathon “Ky Son Win Vietnam Moutain” (Giải Marathon “Về miền sơn cước - chinh phục đỉnh Puxailaileng nóc nhà dãy Trường Sơn”) với hơn 800 vận động viên từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia cũng đã mang dáng dấp của một sản phẩm du lịch thể thao hiện đại. Tuy lần đầu được tổ chức, nhưng theo đánh giá của cộng đồng du lịch, giải diễn ra khá thành công và góp phần quảng bá cho du lịch của huyện địa đầu miền Tây xứ Nghệ nói riêng, Nghệ An nói chung trong những ngày Xuân Giáp Thìn 2024.
Cuộc thi chạy Marathon chỉ diễn ra trong 1 buổi, nhưng trước đó, Ban Tổ chức đã tạo ra được nhiều sự kết nối cho các du khách tham gia, thông qua nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Xuyên suốt những ngày diễn ra sự kiện, không chỉ thông tin về giải chạy, mà thông tin về những nét đẹp văn hóa, vùng đất, con người, các sản phẩm OCOP của huyện Kỳ Sơn được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Nhiều hoạt động âm nhạc, văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng đã tạo ra sức hút lớn với mọi người.
Trước đó, vào tháng 8/2023, một giải Marathon quy mô cấp tỉnh mở rộng là giải Marathon “Về miền ví, giặm” cũng đã trở thành một sự kiện thể thao gắn với du lịch đáng chú ý trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia của hơn 4.000 vận động viên trong nước và quốc tế cùng gần 3.000 người là người thân của các vận động viên đi theo cổ vũ.
Xác định giải sẽ mở ra một hướng đi mới trong phát triển du lịch thể thao nên ngành Du lịch đã đề nghị các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò có chính sách ưu đãi giá dịch vụ lưu trú cho các vận động viên và người đi cùng về tham dự giải; đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, công tác an ninh, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ vận động viên và du khách. Sở Du lịch cũng chỉ đạo các đơn vị lữ hành phối hợp giới thiệu, quảng bá các chương trình du lịch tham quan Nghệ An và tổ chức các tour khám phá, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh khi các vận động viên và du khách có nhu cầu.
Cũng trong năm 2023, một số giải đấu thể thao gắn với du lịch cũng diễn ra trên địa bàn tỉnh như giải đua Xe đạp Cửa Lò mở rộng tranh Cúp Hoa cúc biển lần thứ hai thu hút sự tham gia của gần 400 vận động viên đến từ 31 câu lạc bộ xe đạp từ các tỉnh, thành; chương trình chạy “Les Foulées de la Soie” diễn ra tại huyện Con Cuông do Tổ chức Phát triển Thể thao (SDPO) thực hiện, quy tụ 70 vận động viên người Pháp tham gia…
Tăng cường phối hợp, hình thành sản phẩm đặc trưng
Có thể khẳng định, du lịch thể thao là một “mảnh đất màu mỡ” đang được đẩy mạnh khai thác nhằm kích cầu du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, dù đã có một số giải đấu thể thao gắn với du lịch được tổ chức nhưng các sản phẩm du lịch thể thao ở Nghệ An cũng chỉ mới bước đầu “manh nha”, chưa phát huy hết tiềm năng.
Du lịch thể thao gồm 2 loại hình: Du lịch kết hợp xem thi đấu thể thao và du lịch với mục đích tham gia hoạt động thể thao. Ở Nghệ An, du lịch kết hợp xem thi đấu thể thao còn rất hạn chế. Ví như trong năm 2023, Nghệ An đã đăng cai 2 giải đấu quốc gia là giải vô địch Đẩy gậy - Kéo co toàn quốc tại thị xã Cửa Lò và giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2023 tại thành phố Vinh, nhưng sức hút của cả 2 giải đấu này đối với khách du lịch vẫn chưa được như mong muốn, khi mà có rất ít khách du lịch ngoại tỉnh đến xem và cổ vũ.
Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng phòng Quản lý Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) - cho biết: “Để phát triển loại hình du lịch kết hợp xem thi đấu thể thao, Nghệ An phải là trung tâm thể thao lớn, thu hút các giải thể thao mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thể thao thành tích cao của Nghệ An phải có một vị trí xứng tầm trong “bản đồ” thể thao quốc gia. Tuy nhiên, ở Nghệ An, để đáp ứng những điều kiện đó vẫn cần một chặng đường khá dài".
Tuy nhiên, đến nay, ngành Du lịch và ngành Văn hóa - Thể thao chưa có bất kỳ định hướng nào về việc phát triển các môn thể thao này gắn với du lịch biển. Hiện nay, đến biển Cửa Lò, du khách có thể tham gia các môn thể thao như Nhảy dù, Motor nước…; tuy nhiên, việc tổ chức các môn thể thao này do tự phát, thiếu định hướng nên còn nhỏ lẻ, thiếu quy củ, thậm chí một số môn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do sự quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, nhiều môn thể thao hấp dẫn khác như: Bơi, Lặn, Thả diều bãi biển, Lướt ván… hầu như chưa được quan tâm đầu tư, phát triển, trong khi đây lại là loại hình khách du lịch quốc tế luôn rất hào hứng để được tìm hiểu khám phá. Còn ở các vùng nông thôn, miền núi, ngoài một số giải marathon đã đề cập ở trên, hiện chưa có địa phương nào đưa vào khai thác các môn thể thao như: Chèo thuyền, đua xe đạp địa hình, đi bộ băng rừng... gắn với phát triển du lịch.
Thực tế cho thấy, sự liên kết giữa du lịch và thể thao sẽ góp phần dịch chuyển lượng khách về mặt không gian, thời gian, hạn chế tính mùa vụ, thu hút khách du lịch trong những mùa thấp điểm. Do vậy, để thúc đẩy du lịch thể thao phát triển, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của 2 ngành Du lịch và Văn hóa - Thể thao trong việc quan tâm khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực thích hợp tổ chức các chương trình du lịch thể thao, kêu gọi đầu tư hạ tầng để tổ chức các hoạt động thể thao kết hợp khai thác du lịch. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch kêu gọi và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các giải thể thao để thu hút khách du lịch; chú trọng hình thành các chuỗi sự kiện quảng bá du lịch gắn với các giải thể thao, từ đó hình thành sản phẩm du lịch thể thao đặc trưng, có sức hấp dẫn của tỉnh.
Minh Quân (Báo Nghệ An)
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/tiem-nang-phat-trien-du-lich-the-thao-o-nghe-an-a31970.html