Sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp.
Với các lợi thế sẵn có, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực văn hóa về biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tham quan du lịch đêm, ẩm thực về đêm; xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, tạo thêm động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khắc phục những hạn chế về chất lượng dịch vụ để phát triển kinh tế địa phương, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần đảm bảo mục tiêu “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc” và “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh đã được chọn lọc, sáng tạo hình thành nên ngành Công nghiệp Văn hóa và phát triển kinh tế đêm tại Quảng Ninh và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Trong lĩnh vực du lịch văn hóa, Quảng Ninh hiện có 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch địa phương, 1 khu du lịch quốc gia. Công tác phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng không gian du lịch đã được quan tâm triển khai, góp phần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tại địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 600 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 55 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh, 466 di tích kiểm kê, phân loại; 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, đầu tư về cơ sở hạ tầng để kết nối và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung, thành các sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực điện ảnh, với lợi thế là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa chất, địa mạo, những di sản văn hóa - lịch sử - tâm linh, là những giá trị khác biệt và cơ hội nổi trội, thu hút các dự án điện ảnh lớn về Quảng Ninh cũng là một hướng đi đầy tiềm năng cho tương lai của ngành Công nghiệp Văn hóa. Nghiên cứu quy hoạch phim trường đủ lớn và hấp dẫn, mang tầm quốc tế để thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước và sử dụng như những điểm tham quan du lịch sáng tạo.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Quảng Ninh đã sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện, hoạt động. Một số hoạt động du lịch về đêm cũng đang được triển khai hiệu quả như múa rối nước, Carnaval Hạ Long, chương trình nghệ thuật Hạ Long thần tiên; các cuộc thi Hoa hậu, Người đẹp, festival Áo dài và nhiều các sự kiện của địa phương thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức. Ngoài ra, tỉnh còn có các sản phẩm du lịch mới như các show âm nhạc, chương trình “Phố đêm du thuyền”… mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Trong lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc, đô thị, Quảng Ninh nổi bật với công trình tiêu biểu như Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao Quảng Ninh… Với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh đã trở thành sản phẩm du lịch mới, mỗi năm thu hút trên 800 nghìn lượt khách đến tham quan…
Trong các lĩnh vực khác như quảng cáo, nhiếp ảnh, triển lãm cũng đang được tỉnh quan tâm, chú trọng và dành nhiều nguồn lực để phát triển.
Về những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế ban đêm, Quảng Ninh xác định trước hết cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, gắn với kinh tế ban đêm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cái cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển. Đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững.
Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Khuyến khích thu hút nguồn lực trong xã hội, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Ứng dụng công nghệ số trong triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch văn hóa. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện không gian du lịch tại 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long; Vân Đồn - Cô Tô; Móng Cái - Trà Cổ; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên; mở rộng không gian du lịch Hạ Long gắn với Cẩm Phả - Vân Đồn - Vịnh Bái Tử Long và các vùng phụ cận, đồng thời phát triển các không gian du lịch mới để hình thành các điểm đến vệ tinh, góp phần giảm sức tải cho Hạ Long và các trọng điểm du lịch của tỉnh, vừa tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch núi - biển - biên giới thực sự đa dạng, khác biệt và cuốn hút, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các điểm đến vệ tinh. Đây là giải pháp có tính chiến lược lâu dài để xây dựng Quảng Ninh thực sự là điểm đến quốc gia thu nhỏ “Đáng giá - Đáng đến - Đáng trải nghiệm - Đáng tận hưởng - Đáng nhớ trong đời” với đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ du lịch vừa đa dạng, chất lượng, đẳng cấp và quyến rũ.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, quan tâm đến các sản phẩm du lịch trải nghiệm, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi giải trí; mở rộng phát triển đầu tư khu phố du lịch, phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế…
Phát triển cụm du lịch - văn hóa - giải trí, được xem như một thế mạnh nổi trội của Quảng Ninh nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi và hệ sinh thái đa dạng. Việc liên kết khu vực, vùng tại Quảng Ninh để khai khác và tăng các gói sản phẩm liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa phụ trợ cho các hoạt động du lịch là điều tất yếu. Với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là điểm thu hút khách du lịch và phương tiện truyền thông phạm vi toàn thế giới, việc xây dựng các dịch vụ du lịch xanh, cao cấp sẽ kéo dài thời gian du lịch, nghỉ dưỡng cũng như tạo thêm các hoạt động, sản phẩm công nghiệp văn hóa cho du khách khi đến với Quảng Ninh…
Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa, gắn với kinh tế ban đêm; các giá trị văn hóa tiếp tục được tôn tạo, bảo tồn, phát huy, lan tỏa, được bảo vệ để văn hóa trở thành động lực, là nguồn lực chính, quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội.
T.H
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/quang-ninh-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-gan-voi-kinh-te-ban-dem-a31746.html