Trong lần trả lời 2 câu hỏi tại Kỳ họp Quốc hội từ các đại biểu là ông Xie Yao Quan và bà Poh Li San về cách Singapore hỗ trợ tài năng thể thao của mình, ông Edwin Tong - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore - đã khẳng định, mặc dù nguồn tài trợ cho việc hỗ trợ các vận động viên đỉnh cao không hề nhỏ, song sự hỗ trợ của Chính phủ không chỉ là “vấn đề tiền bạc” mà còn mở rộng sang nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của họ.
Trả lời câu hỏi của ông Xie rằng, các vận động viên có triển vọng được xác định và chuẩn bị như thế nào, những hỗ trợ và trợ giúp nào dành cho các vận động viên đó và bao nhiêu người đã được hưởng lợi từ các chương trình như vậy trong những năm gần đây, ông Tong cho biết: “Một phần tài trợ đáng kể được dùng trực tiếp để hỗ trợ các vận động viên”. Một ví dụ là học bổng spex, được trao cho các vận động viên có triển vọng nhất để thi đấu tại các giải đấu lớn. Học bổng này cung cấp khoản trợ cấp hằng tháng cho các chi phí hằng ngày của vận động viên, tài trợ để bù đắp chi phí huấn luyện, tham gia đào tạo và thi đấu trong và ngoài nước của vận động viên, mua thiết bị và nhận thêm hỗ trợ về y học thể thao và khoa học thể thao. Ông Tong cho biết, số tiền có nhiều mức khác nhau, trong đó, các vận động viên hàng đầu nhận được vài nghìn USD mỗi tháng.
Học bổng spexScholarship đã được trao cho 168 vận động viên thể hình và vận động viên khuyết tật kể từ khi bắt đầu vào năm 2013. Hiện có 76 người nhận học bổng từ các môn thể thao khác nhau. "Một số người trong số họ đã giành được huy chương tại các Đại hội Thể thao lớn và ở cấp độ vô địch thế giới. Một số ít, như Pin Xiu và Kean Yew, là những cái tên quen thuộc với người dân Singapore", ông Tong nói khi đề cập đến nhà vô địch Cầu lông thế giới Loh Kean Yew và nữ "kình ngư" 5 lần đoạt huy chương vàng Paralympic - Yip Pin Xiu.
Ông Tong cho biết thêm: “Sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các vận động viên ưu tú của chúng ta không chỉ là vấn đề đô la, không chỉ là hỗ trợ tài chính, không chỉ là huấn luyện… mà còn mở rộng sang nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của các vận động viên của chúng ta”.
Ông cho biết, chương trình Thể thao Xuất sắc (spex) cho phép các vận động viên ưu tú "cạnh tranh với tư cách là sinh viên, chơi thể thao chuyên nghiệp hoặc ngay cả khi là thành viên gương mẫu của xã hội", đồng thời liệt kê một số kế hoạch theo đó giúp các vận động viên ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và sự nghiệp của họ.
Ông Tong nói, đối với các vận động viên bước vào lực lượng lao động, mạng lưới spexBusiness giúp họ đảm bảo việc làm và theo đuổi sự nghiệp, đồng thời, vẫn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê thể thao của mình. Kể từ năm 2013, 330 vận động viên đã được giúp đỡ thông qua chương trình này. Các vận động viên cũng có thể nhận được trợ cấp để bù đắp khoản tiền lương bị mất khi họ phải nghỉ làm để chuẩn bị và thi đấu tại các trận đấu lớn cũng như trang trải chi phí tập luyện.
Chính phủ cũng phát triển hệ thống thể thao thành tích cao (HPS), cung cấp cho các vận động viên “sự hỗ trợ và phát triển toàn diện”. Họ được hỗ trợ và hướng dẫn trong các lĩnh vực như khoa học thể thao và y học thể thao, huấn luyện và tư vấn như một phần của hệ thống HPS. “Hệ thống HPS được thiết kế… để mang lại hiệu quả tốt nhất cho từng vận động viên. Trong trường hợp của Pin Xiu, các nhà cơ chế sinh học thể thao tại Viện Thể thao Singapore (SSI) ghi lại và phân tích thời gian cũng như thành tích bơi của cô ấy. Họ hợp tác chặt chẽ với huấn luyện viên của cô để điều chỉnh và tối ưu hóa khả năng của cô ấy", ông Tong chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của bà Poh về cách Singapore thu hút và giữ chân những huấn luyện viên giỏi, ông Tong cho biết, việc cung cấp dịch vụ huấn luyện xuất sắc là điều không thể thiếu đối với HPS. Ông nói: “Chúng tôi nỗ lực xác định và thuê những huấn luyện viên giỏi nhất cho các vận động viên của mình - huấn luyện viên nước ngoài hoặc địa phương, và đôi khi là sự kết hợp, để môi trường huấn luyện của chúng tôi cũng có thể được hưởng lợi từ chuyên môn nước ngoài”.
Ông Tong cho biết, Chính phủ cũng giúp mọi người dân Singapore có thể tiếp cận thể thao, dành "nguồn lực đáng kể" cho các chương trình để người dân Singapore theo đuổi thể thao và trau dồi kỹ năng của họ.
Theo ông Tong, Bộ Văn hóa Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Singapore lâu nay vẫn luôn làm việc với các trường học, Hiệp hội Nhân dân và các cơ quan thể thao để tạo điều kiện tiếp xúc và phát triển tài năng thể thao trẻ Singapore. Chính phủ cũng đã đầu tư trung bình gần 90 triệu đô la Singapore mỗi năm trong 3 năm (tính trong giai đoạn 2019-2022) để phát triển và vận hành sân vận động, đường chạy, phòng thể thao và các địa điểm thể thao khác. Ông Tong nói: “Chiến lược này không chỉ cho phép chúng tôi thúc đẩy văn hóa thể thao phổ cập mạnh mẽ và rộng khắp ở Singapore mà còn tạo cơ hội phát hiện những tài năng thể thao trẻ, những người có thể được cung cấp lộ trình để phát triển kỹ năng của họ và có khả năng đại diện cho đất nước chúng ta với tư cách là vận động viên quốc gia”.
Ông Tong gọi sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các vận động viên quốc gia Singapore là “rộng khắp và toàn diện”. Ông nói: “Chúng tôi đầu tư vào cả hệ thống và chúng tôi cũng đầu tư vào cá nhân các vận động viên của mình”.
Về vấn đề tiền thưởng cho các vận động viên, ví dụ như chiến thắng của Loh tại giải vô địch thế giới BWF - giải đấu không trao tiền thưởng - ông Tong cho biết: “Khuôn khổ HPS của chúng tôi, mà tôi đã mất công trình bày chi tiết, cho phép chúng tôi bảo vệ các vận động viên của mình khỏi những thăng trầm chỉ vì tiền thưởng - một số cao, một số thấp, một số cuộc thi không cung cấp tiền thưởng".
Ông nói thêm, việc mỗi cuộc thi có cấp tiền thưởng hay không là tùy thuộc vào Ban Tổ chức, nhưng đối với các vận động viên nhận được tiền thưởng, Chính phủ “không giữ lại một phần” số tiền đó. Ông nói: “Đó là việc giữa vận động viên và Hiệp hội Thể thao Quốc gia (NSA) có liên quan, họ giải quyết vấn đề tiền thưởng, họ quyết định cách áp dụng số tiền đó tốt nhất”.
Hoàng Minh (CNA)
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/singapore-ho-tro-cac-tai-nang-the-thao-nhu-the-nao-a31675.html