Tôn vinh những giá trị truyền thống
Tới bây giờ, những người yêu cờ cả nước hẳn vẫn còn chưa quên những trận đấu rất thú vị của “Trạng Cờ Quý Tỵ” phát sóng trên các kênh VTC2 và VTC7, được bình luận trực tiếp bởi đội ngũ chuyên gia uy tín trong môn cờ Tướng.
Sau vòng đấu loại ở các miền (tổ chức thành các giải với hình thức thông thường), các kỳ thủ ưu tú nhất góp mặt ở Vòng chung kết theo hình thức đấu loại trực tiếp với format truyền hình thật sự độc đáo. Đấy là hình ảnh họ bận trang phục áo dài - khăn đóng, đối đầu nhau trước 1 bàn cờ khổng lồ cùng bộ quân cờ to kỷ lục Việt Nam, đọc nước đi theo ký hiệu quy định để các “tiên nữ” (đều là các nữ Kiện tướng quốc gia cờ Tướng) giúp thực hiện nước đi. Khu vực thi đấu là 1 thủy đình khổng lồ được thiết kế trong trường quay. Mỗi buổi thi đấu, phát sóng, huy động lực lượng biên tập viên, kỹ thuật viên, quay phim truyền hình đông đảo và tinh nhuệ. Nội dung được lồng ghép với âm nhạc truyền thống, kết hợp phần bình luận chuyên môn với những câu chuyện thú vị về lịch sử, ý nghĩa của cờ Tướng trong văn hóa dân gian (thú vị nhất chính là câu chuyện về Trạng Cờ Vũ Huyên, từng giúp nhà Vua đánh bại sứ thần nhà Minh từ thế kỷ 15)… Tất cả đã tạo nên những chương trình truyền hình chất lượng, thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả yêu cờ từ các thành phố tới chốn thôn quê…
So với các giải đấu cấp quốc gia hằng năm, Trạng Cờ là sân chơi thật sự rất khác biệt, đem đến một cái nhìn mới mẻ về một thú chơi dân gian nay đã trở thành môn thể thao trí tuệ có “chân đế phát triển” (lượng người chơi, theo dõi) đông đảo bậc nhất cả nước. Quả thật, hiếm có môn thể thao nào mà mọi khoảng cách về tuổi tác, giới tính, địa vị… gần như đều xoá nhòa như vậy. Người chủ trì “Trạng Cờ Quý Tỵ” năm ấy chính là ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC - người đang đảm trách vai trò Chủ tịch Liên đoàn Cờ Tướng Việt Nam hiện tại.
Năm 2015, sân chơi Trạng Cờ trở lại với tên gọi mới - Trạng Cờ Đất Việt (nhằm tạo sự ổn định, thuận tiện cho việc quảng bá). Thủy đình được thiết kế tại khu vực hồ sen Đầm Trị (bên hồ Tây) đầy thơ mộng với những cảnh quay tuyệt đẹp. Lần thứ ba là Trạng Cờ Đất Việt 2016-2017, với thủy đình đặc biệt ngay tại khu vực Đền Ngọc Sơn - một danh thắng bên bờ hồ Gươm, lại mang nét riêng của chốn linh thiêng, gắn với Thủ đô ngàn năm văn vật.
Các nhà vô địch được trao danh hiệu Trạng Cờ lần lượt gồm: Phạm Quốc Hương (2013), Trềnh A Sáng (2015) và Tôn Thất Nhật Tân (2016-2017), tất cả đều là các cao thủ đẳng cấp Kiện tướng quốc gia, Đặc cấp quốc tế đại sư (Đại kiện tướng quốc tế) hay Quốc tế đại sư (Kiện tướng quốc tế).
Danh hiệu Trạng Cờ thứ tư sẽ thuộc về ai?
Vì nhiều lý do, sân chơi Trạng Cờ Đất Việt đã bị gián đoạn trong 6 năm qua. Và tới năm nay, với quyết tâm của lãnh đạo Liên đoàn Cờ Tướng Việt Nam (thành lập năm 2018), đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Văn Bình cùng các cộng sự trong Ban lãnh đạo mới (khoá 2 bắt đầu từ tháng 8/2023), Trạng Cờ Đất Việt 2023 đã chính thức trở lại.
Ngày 18/11, gần 180 kỳ thủ đã tham dự vòng loại khu vực miền Bắc (để tìm ra 32 kỳ thủ sẽ dự tranh Vòng chung kết khu vực), tổ chức tại Hà Nội với bầu không khí như một ngày hội của những người yêu cờ. Sau bầu không khí vô cùng trầm lắng nhưng cũng đầy gay cấn trong phòng thi đấu là sự vui vẻ, hỏi han, trao đổi tưng bừng của các kỳ thủ sau mỗi ván đấu. Đội ngũ bình luận viên, ngoài những gương mặt quen thuộc như: Doãn Hữu Bình, Nguyễn Thế Trí (đều từng tham gia Ban bình luận Trạng Cờ Quý Tỵ 2013 cũng như 2 kỳ kế tiếp) có thêm sự góp mặt của Đặc cấp quốc tế đại sư Nguyễn Thành Bảo và Kiện tướng quốc gia Trần Quyết Thắng. Các trận đấu được phát sóng trực tiếp trên kênh YouTube chính thức của Liên đoàn Cờ Tướng Việt Nam cũng như các nền tảng truyền thông xã hội khác thu hút lượng người xem đông đảo.
Vào các ngày 23-24/12 mới đây, Vòng loại và Vòng chung kết khu vực miền Trung đã tiếp tục được tổ chức tại thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định). Tuy không đông như khu vực miền Bắc, nhưng với 71 kỳ thủ tham dự thuộc 23 đơn vị, câu lạc bộ cờ trên địa bàn, Trạng Cờ Đất Việt khu vực miền Trung vẫn có nhiều vấn đấu với chất lượng rất cao. Không ít kết quả bất ngờ đã xảy ra khi các kỳ thủ nghiệp dư cũng thể hiện trình độ chơi cờ ấn tượng, đầy tiềm ẩn khả năng tạo đột biến. Thành phố Đà Nẵng - địa phương có phong trào và chất lượng cờ Tướng đỉnh cao số 1 tại miền Trung, có đông kỳ thủ hàng kiện tướng tham dự nhất - nhưng rút cuộc lại không có ai góp mặt trong Vòng bán kết. Ngay cả Quốc tế đại sư Tôn Thất Nhật Tân - nhà đương kim vô địch năm 2016-2017 - cũng dừng bước ở Vòng tứ kết (thật may vì anh vẫn sẽ có mặt trong tốp 8 người đại diện miền Trung dự Vòng chung kết toàn quốc). Một Quốc tế đại sứ khác là Võ Văn Hoàng Tùng (Đà Nẵng) thậm chí còn không thể lọt vào tốp 8… Qua đó, mới thấy tính chất của sân chơi này cũng rất khắc nghiệt, hấp dẫn bởi chính những bất ngờ có thể tạo ra với thể thức cờ Nhanh và không tích lũy thời gian cho mỗi nước đi.
Vào các ngày 3-4/1/2024 tới, Trạng Cờ Đất Việt khu vực miền Nam (Vòng loại và Vòng chung kết khu vực) sẽ diễn ra tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), hứa hẹn sẽ còn nhiều sự hấp dẫn hơn. Đầu tiên là chất lượng của phong trào cờ Tướng khu vực miền Nam rất tốt, với “lá cờ đầu” là thành phố Hồ Chí Minh, cùng với các địa phương mạnh, có sự đầu tư rất tốt trong những năm qua như: Bình Dương, Bình Phước hay các tỉnh miền Tây Nam Bộ vốn có rất nhiều cao thủ “giang hồ”… Bởi vậy, Trạng Cờ Đất Việt khu vực miền Nam thậm chí còn được dự báo là có sự cạnh tranh gay cấn nhất, khó khăn nhất với rất nhiều kỳ thủ mạnh tham dự.
Sau khu vực miền Nam, Trạng Cờ Đất Việt sẽ trở lại với Vòng chung kết khu vực miền Bắc, sau đó sẽ là Vòng chung kết toàn quốc dự kiến được tổ chức trước Tết Nguyên đán tại Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi, Vòng chung kết toàn quốc sẽ được phát trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Quá nhiều điều thú vị và hấp dẫn đang chờ đón ở phía trước!
Kỳ Quân
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/dau-truong-trang-co-dat-viet-2023-soi-noi-va-day-hap-dan-a30162.html