Ý kiến chuyên gia tại Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030: Cần phải đổi mới về tư duy và cách làm

Hội nghị định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề “Nâng tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” diễn ra tại Hà Nội, đã nhận được nhiều ý kiến phân tích về những vấn đề liên quan đến thể thao thành tích cao cần phải thay đổi tư duy và cách làm để vươn tầm châu lục và thế giới.

Thể thao thành tích cao Việt Nam trong những năm qua đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định vị thế ở đấu trường khu vực Đông Nam Á. Cũng là bước đầu để tiếp cận đến trình độ châu lục và thế giới. Dù đã có nhiều năm nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á ở đấu trường SEA Games nhưng khi ra đấu trường châu lục và thế giới như ASIAD và Olympic thì thể thao nước nhà lại không đạt được thành tích cao. Đó chính là vấn đề lớn mà ngành Thể thao đang phải đối mặt.

Nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia ở châu lục và trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khiến thể thao thành tích cao chưa đạt được kỳ vọng chính là công tác đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với trình độ châu lục và thế giới. Cùng với đó, tầm vóc và thể hình của người Việt Nam vẫn còn hạn chế và kém hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới.

ong-dang-ha-viet-1703236982.jpg
Cục trưởng Cục Thể dục thể Thao - ông Đặng Hà Việt - báo cáo tại Hội nghị

PGS.TS Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: ngành Thể thao sẽ hướng đến 3 mục tiêu rõ ràng gồm: Tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); Xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho những vận động viên ưu tú tham gia thi đấu Thế vận hội (Olympic) 2024, 2028 và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2026 và 2030.

Còn về giải pháp, ông Đặng Hà Việt cũng đưa ra 2 nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Với nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào công tác xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho vận động viên; xã hội hóa thể thao thành tích cao và đảm bảo nguồn lực về tài chính. Còn nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ được chia ra rõ ràng theo từng giai đoạn từ năm 2024-2026 và từ năm 2027-2030.

Giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 tập trung cho việc xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025 và ASIAD 2026. Cụ thể, việc thuê các chuyên gia ngoại cũng được đề xuất nhằm kết hợp cùng các huấn luyện viên nội để huấn luyện cho các vận động viên thành tích cao.

Còn giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ hướng đến việc triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Chuẩn bị lực lượng cho các kỳ Thế vận hội 2028, Đại hội Thể thao châu Á 2030 và các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2027 và 2029.

47936img-1542-1703236982.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại Hội nghị

Trong Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng để hướng đến sự phát triển thể thao thành tích cao. GS.TS Lâm Quang Thành - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - cho biết: “Hiện nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới, đặc biệt là công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thể thao trong đào tạo, huấn luyện vận động viên, nhất là vận động viên có trình độ cao, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là vấn đề cần được xây dựng và ứng dụng trong thời gian tới”.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho rằng: “Để nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn từ 2024-2030 có nhiều yếu tố, trong đó công tác quản lý đối với huấn luyện viên, vận động viên giữ vị trí vai trò quan trọng quyết định hiệu quả nâng cao thành tích thể thao. Theo đó, các vấn đề về tuyển chọn chuyên gia, bổ sung dinh dưỡng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hay tâm lý chuyên môn và Kỹ chiến thuật thể thao theo đặc thù từng môn cho vận động viên là một trong những vấn đề quan trọng cần triển khai”.

hlv-1-1527-1703236982.jpg
Các huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại ASIAD 19 được trao Bằng khen

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Phần chung đều thể hiện sự nhất trí cao với nhóm 6 nhiệm vụ ngành Thể dục thể thao xây dựng. Chúng ta đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm. Những ý kiến, tham luận của các đại biểu đã tạo thêm điểm nhấn, điểm sáng và đều là những ý kiến thẳng thắn quý báu, đáng trân trọng. Hy vọng rằng, Hội nghị dù ngắn nhưng cũng giúp chúng ta "vỡ" ra nhiều điều. Sau Hội nghị, tôi yêu cầu Cục Thể dục thể thao phải hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nâng tầm thể thao thành tích cao, bắt đầu từ kế hoạch ngắn hạn, làm từ việc nhỏ đến lớn”.

Vĩnh Toàn

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/y-kien-chuyen-gia-tai-hoi-nghi-dinh-huong-phat-trien-the-thao-thanh-tich-cao-den-nam-2030-can-phai-doi-moi-ve-tu-duy-va-cach-lam-a30047.html