"Chợ phiên - Chào năm mới 2024" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

“Chợ phiên - Chào năm mới 2024” là chủ đề hoạt động tháng 12 được tổ chức từ ngày 1/12/2023 đến 1/1/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) 

Sự kiện nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân mới qua văn hóa ẩm  đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán qua đó du khách thêm hiểu những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2024.

Hoạt động tháng 12 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Huy động thêm khoảng 45 đồng bào dân tộc của 3 dân tộc: Nùng, Dao, Mông (12 đồng bào dân tộc Dao, 15 đồng bào dân tộc Nùng, 13 đồng bào dân tộc Mông) huyện Xín Mần - Hà Giang.

phien-cho-1-1701340290.jpg
Ảnh minh họa

Hoạt động điểm nhấn sự kiện tháng “Chợ phiên - Chào năm mới 2024” là Phiên chợ vùng cao ngày Tết. Phiên chợ sẽ  tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2024 tại “ngôi nhà chung” với chủ đề “Phiên chợ vùng cao ngày Tết”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Nùng, Mông, Dao…

Không gian xuống chợ trong những ngày cuối năm, những ngày đầu năm mới với kỳ vọng mới, niềm tin sắt son và niềm vui từ ánh mắt của mỗi một đồng bào, họ gặp nhau tại phiên chợ lúng liếng nói cười, trong những bộ trang phục đẹp nhất, sắc màu nhất. Các lớp không gian liên tục từ khi xuống chợ hòa cùng với niềm vui, tham gia các hoạt động hội, hòa cùng với sắc màu của nghề thủ công truyền thống và cùng nhau cất lên niềm vui, sự hân hoan khoe vẻ đẹp của cộng đồng trong ngày xuân mới.

Đặc biệt không gian sẽ có điểm nhấn trang trí chụp ảnh gắn với những cảnh sắc ấn tượng của Hà Giang với sắc màu của các chủ thể văn hóa vùng cao và đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày hòa chung niềm vui mừng năm mới, đón mùa xuân mới.

Điểm nhấn không gian sinh hoạt tại chợ là sắc màu văn hóa của các địa phương vùng cao như huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và không gian văn hóa vùng cao của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày chung niềm vui chung mừng năm mới trong đó phải kể đến các gian hàng sản vật cùng cao tại chợ với 10 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc cùng với những sản phẩm đặc trưng giới thiệu của huyện như miến dong, rượu men lá dân tộc, gạo nếp, mật ong rừng... và một số sản vật đặc trưng khác; tiếp theo là các sản vật của các địa phương khác và của nhóm đồng bào phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Không gian giới thiệu du lịch sẽ có 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống và phục vụ nhu cầu của du khách khi tham quan tại không gian chợ. Khu vực khoảng sân nhà Phù Lá giới thiệu ẩm thực truyền thống và phục vụ nhu cầu của du khách khi tham quan tại không gian chợ. Ngoài ra còn có hông gian trưng bày tranh “Phiên chợ ngày xuân” và một số hoạt động bổ trợ khác. 

Một hoạt động đặc sắc hứa hẹn mang đến nhiều thú vị đó là nghệ thuật trình diễn dân gian múa Khèn dân tộc Mông. Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng chia sẻ tâm tư tình cảm giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mông gắn liền với chiếc khèn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để cho đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn 1 người mà có đến 4 người hoặc nhiều hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn. Chỉ cần cất lên tiếng khèn là cả cộng đồng hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu.

Các nghệ nhân dân tộc Mông giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bằng nghệ thuật trình diễn các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi; Giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách; nghệ nhân giúp mọi người có thể trải nghiệm cùng trao đổi với nhau về tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông, hòa cùng không khí niềm vui ngày hội non sông thống nhất.

Tham gia chương trình, du khách sẽ được thưởng thức trình diễn nghệ thuật thêu và chà bóng vải đen của dân tộc Nùng và giới thiệu nét đẹp trang phục dân tộc Dao, Mông, Nùng huyện Xín Mần; Chương trình dân ca dân vũ “Phiên chợ ngày xuân” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc; Tái hiện lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, huyện Xín Mần; Chương trình thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới” tại trung tâm điểm nhấn của chợ vùng cao với đặc trưng các món ăn của các dân tộc phía Bắc hoạt động tại Làng như: dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Lào... Bên cạnh đó là chảo thắng cố đang bốc khói nghi ngút, chén rượu ngô thơm nồng…du khách và đồng bào cùng thưởng thức.

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/cho-phien-chao-nam-moi-2024-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-a29431.html