Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, trong đó có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo Thứ trưởng, nhằm khuyến khích sáng tạo, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác, quyền liên quan, việc tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung; cùng đó, đây cũng là nơi để các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan trao đổi, thảo luận các nội dung thú vị về bản quyền, phát triển công nghiệp điện ảnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S: Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” là một chương trình quan trọng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Thời gian tới, tỉnh Lâm đồng sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu để đề xuất, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay, qua đó đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh: Hành lang pháp lý về quyền tác giả tác phẩm điện ảnh còn chưa đáp ứng được sự phát triển của công nghệ, chưa cụ thể, chưa thực sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả trong môi trường internet. Bên cạnh đó, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh chưa nhận thức và ý thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, chưa chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền cũng như các biện pháp khác mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm túc tôn trọng và thực hiện nghĩa vụ đối với các quyền tác giả tác phẩm điện ảnh. Nhiều trường hợp cố tình né tránh không thực hiện nghĩa vụ. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thuộc nhiều hệ thống các cơ quan khác nhau, còn dàn trải, thiếu tập trung, hệ thống cơ quan tư pháp xét xử chưa có tòa án chuyên biệt về quyền tác giả, quyền liên quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi theo chức năng, nhiệm vụ được giao còn chưa thật sự chặt chẽ, quyết liệt trong đấu tranh, phòng chống và xử lý các hành vi xâm phạm, nhất là các hành vi xâm phạm quyền trên mạng internet và không gian mạng.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, sự phê bình điện ảnh của một số cơ quan mang tính chất chủ quan, cá nhân, không khích lệ và tôn trọng sáng tạo. Bên cạnh đó, các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng cũng chưa được xử phạt nặng, nghiêm minh, các tổ chức, cá nhân, trang mạng vẫn tiếp tục đưa các tác phẩm chưa được phép lên mạng hay trang cá nhân. Theo ông, đây là một số vấn đề cần được chú trọng giải quyết hơn nữa để tạo ra môi trường phát triển điện ảnh lớn mạnh.
H.A
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bao-ho-ban-quyen-trong-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-a29183.html