Từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Trung ương.
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo, trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý báo chí, quản lý hội viên, xây dựng và triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá: Sau 6 năm thực hiện, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích tống tiền hoặc vì động cơ không trong sáng khác.
Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Hội nghị đã được nghe các tham luận xung quang về các vấn đề: Vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cũng như lên tiếng đánh giá, xếp hạng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan báo chí nhằm góp phần nâng cao vị thế của công tác hội và chất lượng báo chí; Cơ chế về bộ máy, nhân lực cơ quan báo chí bộc lộ nhiều hạn chế…
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; thường xuyên theo dõi, giám sát và tăng cường xử lý vi phạm của hội viên. Bên cạnh đó, Luật cần quy định chặt chẽ việc tuyển dụng phóng viên của các cơ quan báo chí để nâng cao chất lượng.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm luật pháp về báo chí; nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ kịp thời cho các cơ quan báo chí chính thống đang làm nhiệm vụ chính trị để đội ngũ những người làm báo chân chính yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, cần quy định hoạt động của các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ phóng viên trong cơ quan báo chí dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo... Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí để góp phần định hướng truyền thông trên môi trường số, ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh từ xu hướng truyền thông phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Bùi Lượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nang-cao-dao-duc-nghe-nghiep-cua-nguoi-lam-bao-de-tao-long-tin-noi-doc-gia-a29050.html