Tham dự Hội thi có gần 1.000 người là cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đến từ 19 đoàn của các tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Trị và đoàn chủ nhà Cao Bằng. 19 dân tộc tham dự Hội thi, gồm: Bố Y, Cao Lao, Cao Lan, Giáy, Hà Nhì, Hoa, Lô Lô, Mông, Mường, Pa Cô, Sán Chỉ, Sán Dìu, Tày, Nùng, Thái, Thổ, Thu Lao, Tu Dí, Vân Kiều.
Hội thi được tổ chức với 9 môn gồm: Bóng đá nam 7 người; Bóng chuyền da nam, nữ; Việt dã nam, nữ; Đẩy gậy, 11 hạng cân nam, 9 hạng cân nữ; Kéo co 3 nội dung: nam, nữ, nam-nữ phối hợp; Bắn nỏ nam, nữ; Tung còn nam, nữ; Tu lu nam; Lày cỏ nam, nữ.
Dự kiến, Lễ khai mạc tại vườn hoa trung tâm thành phố Cao Bằng vào ngày 18/11 với sự tham gia của khoảng 3.000 người.
Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần (Hội thi lần thứ nhất được tổ chức năm 1996 tại tỉnh Hòa Bình, đến nay đã trải qua 12 lần tổ chức Hội thi). Việc tổ chức Hội thi có ý nghĩa văn hóa, chính trị, xã hội sâu sắc nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao sức khỏe, tinh thần, thể chất cho Nhân dân. Hội thi là minh chứng rõ ràng nhất để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với tinh thần “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa” gắn liền với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Qua Hội thi, các vận động viên đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết hơn nữa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hội thi cũng là dịp để tỉnh Cao Bằng giới thiệu với bạn bè trong và ngoài tỉnh về truyền thống lịch sử văn hóa, quê hương cội nguồn cách mạng, một tỉnh biên giới “phên dậu” của Tổ quốc, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Các di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm chiến thắng Biên giới 1950; các danh thắng quốc gia: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt thần núi, hồ Thang Hen… Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu “Non nước Cao Bằng” đã được UNESCO công nhận từ năm 2018.
baovanhoa.vn
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/hoi-thi-the-thao-cac-dan-toc-thieu-so-toan-quoc-lan-thu-xiii-khu-vuc-i-nam-2023-a29005.html