Trải qua 17 mùa giải, đến nay trung bình mỗi năm giải Báo chí Quốc gia thu hút được sự tham dự của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong số hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng gửi về dự thi, dù biết rằng số lượng giải thưởng chỉ có hạn.
Mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao các loại giải A, B, C và Khuyến Khích. Ngay cả những tác phẩm lọt vào Vòng chung khảo không được giải cũng được tôn vinh bằng Giấy chứng nhận vinh danh và tiền thưởng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - khẳng định: "Trải qua 17 năm tổ chức, các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải".
Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Đề tài về Đảng, về Bác Hồ, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; Về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị; đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...
Các tham luận của tại Hội nghị đã tập trung thảo luận với các vấn đề như: Phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng Bộ, chính quyền địa phương; Tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cáo tham gia Gaiir, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác; Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; Đóng góp của chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bùi Lượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/doi-moi-hoat-dong-cua-giai-bao-chi-quoc-gia-nham-phu-hop-voi-xu-the-chuyen-doi-so-a28985.html