Tờ The Straits Times của Singapore ghi nhận, chủ nhà Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 15 huy chương vàng trong số 47 bộ huy chương được đề nghị và cho tới ngày 15/5 đã giành được 9 huy chương vàng, gần gấp đôi so với Thái Lan, quốc gia có thành tích tốt thứ nhì - 5 huy chương vàng. Phóng viên The Straits Times đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - và biết được, sự vươn lên gần đây của các vận động viên Việt Nam là kết quả của sự tập trung và đầu tư mạnh mẽ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt ra cho các môn thể thao Olympic kể từ năm 2015. Khoảng 100 tỷ đồng (6 triệu đô la Singapore) đã được “bơm” vào các dự án nhằm mang lại huy chương tại Thế vận hội 2016 và 2020 cũng như Đại hội Thể thao châu Á 2018. “chắc chắn rằng, chúng tôi đã có những mục tiêu dài hạn và kế hoạch chi tiết để đầu tư và phát triển các vận động viên”, ông Hùng chia sẻ. “Đồng thời, chúng tôi cũng phát triển một chương trình dành cho các tài năng trẻ đang còn đi học". Và khoản chi không hề nhỏ đó đã được đền đáp.
Tại Rio 2016, vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho Việt Nam và 2 năm sau, Quách Thị Lan (400m vượt rào) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) đã mang về chiến tích đầu tiên cho quốc gia ở môn điền kinh tại Á vận hội diễn ra tại Indonesia. Ông Hùng nói thêm: "SEA Games vẫn được coi là một nền tảng rất quan trọng để Việt Nam có thêm cơ hội xây dựng thành tích tốt hơn ở cấp độ châu Á và xa hơn nữa".
Tất nhiên, trong bối cảnh đó, Thái Lan không ngồi yên. Họ cũng đang ra sức đòi lại vị thế và niềm tự hào của mình. Tại Hà Nội, họ đã đặt mục tiêu ít nhất 12 huy chương vàng. Huấn luyện viên điền kinh Philippines - ông Jeoffrey Chua - đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính bền vững cho các ngôi sao điền kinh, bởi đó là điều đã giúp Việt Nam và Thái Lan vươn lên dẫn đầu khu vực trong hai thập kỷ qua. Chua nói: “Họ có một hệ thống câu lạc bộ rất mạnh và những câu lạc bộ này được hỗ trợ tài chính bởi các tập đoàn và nhà tài trợ tư nhân. Trên cơ sở này, họ luôn có một đội ngũ vận động viên sẵn sàng cho 3-4 năm tới. Trong hoàn cảnh của chúng tôi (ở Philippines), Chính phủ của chúng tôi tài trợ cho các vận động viên nên chúng tôi chỉ có thể duy trì một số ít... Giải pháp đầu tư bài bản và dài hạn này chính là then chốt".
Cựu vận động viên chạy nước rút Gary Yeo, hiện là Phó Chủ tịch (đào tạo và tuyển chọn) của điền kinh Singapore, cũng đồng ý và lưu ý rằng, mức hỗ trợ tài chính này đã cho phép các quốc gia hàng đầu của khu vực gửi các vận động viên của họ đi tập huấn và thi đấu thường xuyên ở châu Âu với những cơ hội học hỏi và cọ xát vô giá. Yeo, 35 tuổi, người từng 4 lần đoạt huy chương bạc SEA Games, cho biết: “Họ có thể cử cả đội, trong khi các quốc gia như chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ theo tư cách cá nhân cho các vận động viên của chúng tôi ở những chuyến đi này”.
Báo Singapore cũng chỉ ra bài học về đào tạo điền kinh của Việt Nam qua lời ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chúng tôi có hai giai đoạn trong kế hoạch của mình. Mục tiêu trong giai đoạn 1 là giành huy chương vàng (thường xuyên) ở cấp độ châu Á vào năm 2030. Giai đoạn 2 là một kế hoạch dài hạn hơn nữa, chúng tôi hy vọng sẽ có những vận động viên có thể góp mặt tại Thế vận hội và giành huy chương vào năm 2050. Chúng tôi sẽ đầu tư và đào tạo các nhóm vận động viên để đạt được mục tiêu này".
Phương Hạnh
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bao-singapore-dien-kinh-viet-nam-da-vuon-tam-chau-luc-a2804.html