Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người 

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023 sẽ diễn ra với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 3 đến 5/11) tại TP. Lai Châu.

thu-truong-thuy-1697194097.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy đã chủ trì buổi làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải đồng chủ trì buổi làm việc.

Ngày hội do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Lai Châu phối hợp tổ chức, với sự tham gia của 14 dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái đến từ 13 tỉnh gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum.

Theo kế hoạch, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ Nhất tại tỉnh Lai Châu và Tuần du lịch - văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023 sẽ diễn ra với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5/11 tại TP. Lai Châu.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động như dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu; Lễ Khai mạc Ngày hội; Khai mạc trưng bày các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Trình diễn, giới thiệu các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; trình diễn nghề truyền thống thủ công các dân tộc; trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của các dân tộc... Bên cạnh đó là các hoạt động thể thao, du lịch, gặp gỡ các nghệ nhân tiêu biểu có đóng góp cho công tác bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội, các đơn vị liên quan và các địa phương đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị Ngày hội, chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong quá trình diễn ra Ngày hội...

Các ý kiến đóng góp nhằm giúp quá trình tổ chức Ngày hội diễn ra bài bản, chuyên nghiệp; khẳng định tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết, tỉnh Lai Châu đang dồn lực cho công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để Ngày hội diễn ra thành công tốt đẹp. Ông cho biết: “Ngoài cơ hội để quảng bá văn hoá, tỉnh Lai Châu xác định đây là dịp để tỉnh thu hút khách du lịch. Do đó, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh sẽ tổ chức đoàn khảo sát du lịch, Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch của địa phương nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng tỉnh vẫn nỗ lực để công tác chuẩn bị diễn ra chu đáo nhất”. Tỉnh đã lên phương án để xử lý các tình huống trong trường hợp có phát sinh; triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, du khách trong những ngày diễn ra Ngày hội...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ Nhất có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị bản sắc của cộng đồng các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người có cơ hội được lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình; xây dựng môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lai Châu và các đơn vị liên quan trong thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng nhằm hoàn thiện các nhiệm vụ đặt ra. Về cơ bản, quá trình triển khai các công việc vẫn đang theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức Ngày hội; đảm bảo đúng kế hoạch, mục đích, yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý công tác rà soát các nội dung, hoạt động của Ngày hội. Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, đồng bào tham gia Ngày hội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tiết mục; dàn dựng công phu, chú trọng tính nghệ thuật. Đồng thời, các nội dung trình diễn phải thể hiện chính xác, rõ nét bản sắc của từng dân tộc; qua đó gắn liền với quảng bá, phát triển du lịch của từng địa phương. 

Thứ trưởng mong muốn tỉnh Lai Châu sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các tỉnh có đủ diện tích triển khai các hoạt động; đem lại trải nghiệm ấn tượng cho người dân, du khách.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Các sự kiện phải thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người”.

T.H

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bao-ton-phat-huy-va-lan-toa-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-rat-it-nguoi-a27979.html