Cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.

pho-co-hoi-an-1697026975.jpg
Di sản văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An. Ảnh (st)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. 

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch,… tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung, với những thành tựu đáng ghi nhận: Trên cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.614 di tích quốc gia và 128 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 498 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 9 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 196 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt xét duyệt.

co-do-hue-1697027010.jpg
Di sản văn hóa thế giới - Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh (st)

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực, cụ thể:

Thứ nhất, một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn 
Là Luật về lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản, quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều khoản giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn như: Quy định chi tiết về những hành vi bị cấm; về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích; quy trình tiếp nhận giao nộp, phân chia, quản lý hiện vật, di vật, cổ vật sau khi khai quật khảo cổ; quy trình tiếp nhận, loại bỏ hiện vật ở di tích...

Vấn đề quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Thứ hai: Một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ

Về các quy định có tính khả thi chưa cao cần nghiên cứu bãi bỏ (hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp): Quy định về quy hoạch khảo cổ; quy định đăng ký bảo vật quốc gia; quy định về cho phép, mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (để tránh tình trạng "chảy máu" cổ vật và chống buôn bán trái phép di sản văn hóa theo Công ước 1970 của UNESCO).

Về các quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung: Trong lĩnh vực di tích: Quy định về thăm dò khai quật khảo cổ và thẩm quyền hướng dẫn, thủ tục thăm dò, khai quật khảo cổ; quy định về khu vực bảo vệ II của di tích; đối tượng kiểm kê di tích; quy định trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ đối tượng kiểm kê di tích và bổ sung vào quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi đối tượng này; Quy định bổ sung đối tượng các dự án khác không thuộc dự án bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, thực hiện trong và ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích; Quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích. 

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể: Quy định rõ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể; quy định cấm đối với hành vi vi phạm các tập tục và can thiệp vào di sản văn hóa của cộng đồng; quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, xã hội trong bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững và hội nhập; quy định rõ về phân cấp ban hành và thực hiện Chương trình hành động quốc gia...

Thứ ba, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật

Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… trong khi thực tiễn xã hội hiện đại, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội nên thu hút doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa... 

Di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, mua sắm trang bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật… Vì vậy, cần bổ sung mới các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): về phạm vi, quyền hạn, nội dung hoạt động xã hội hóa bảo vệ di sản, cơ chế và thẩm quyền hướng dẫn thực hiện; quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại địa bàn có di tích.

Chưa có các quy định về chức năng nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng; chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; thẩm quyền thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo tàng, các dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.

Chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách của UNESCO; nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO…

vinh-ha-long-1697027045.jpg
Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long. Ảnh (st)

Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng, cũng có di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, biến mất… Vì vậy, quy định mới loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết, với các quy định: Từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định về bản sao đối với di sản tư liệu.

Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bố cục gồm 9 chương 136 điều, tăng 2 chương, 62 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), trong đó: bỏ 1 chương về khen thưởng và xử lý vi phạm, thành 3 chương mới là Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu (Chương V); Bảo tàng (Chương VI); Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa (Chương VIII).

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ: Các chính sách có tính chất kế thừa; các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.

TH

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/can-thiet-sua-doi-luat-di-san-van-hoa-a27940.html