Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số 

Đó là chủ đề của Hội thảo diễn ra sáng ngày 23/8 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Netflix tổ chức.

Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ VHTTDL và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.

cac-dien-gia-trao-doi-tai-hoi-thao-1692801790.jpg
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, kết nối toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống KTXH, trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo nói riêng, đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo phải có sự chuyển đổi và thích ứng bằng cách áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh, biến đổi chuỗi giá trị từ các khâu sáng tạo - sản xuất - phổ biến - tiêu thụ.

Tuy nhiên, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận dân chủ cho tất cả mọi người và văn hoá, sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, sự thống trị hàng hoá, dịch vụ văn hóa từ các nước phát triển, lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe dọa sự đa dạng văn hoá… tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.

Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu, giới truyền thông và những người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt...

Cùng với đó là lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và cùng nhau đề xuất các giải pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển trong thời đại số, đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo, của công chúng nói chung và cụ thể hóa lộ trình nhằm đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt ra là đến năm 2030 giá trị gia tăng các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP.

Các kết quả của hội thảo là góp phần quan trọng giúp Bộ VHTTDL xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với quá trình chuyển đổi số và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

quang-canh-hoi-thao-cong-nghiep-van-hoa-1692801863.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo cũng đã công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam. Nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp cho người nghe một cái nhìn khá toàn diện và chi tiết gồm hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và các chính sách riêng cho từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

Từ đây, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số, đồng thời đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bà Nguyệt Nguyễn Phillips, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á của Netflix chia sẻ: "Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến hàng đầu thế giới, Netflix hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo Việt Nam bằng cách lan tỏa những câu chuyện của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu trên dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng Hội thảo này là một diễn đàn quan trọng để khu vực công và tư nhân cùng nhau trao đổi ý kiến và hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam".

Trong phiên hội thảo thứ nhất, Luật sư Phan Vũ Tuấn đã đưa ra các lời khuyên hữu ích để những doanh nghiệp, người làm văn hóa, sáng tạo Việt Nam nên có để thích ứng với Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Trong phiên thảo luận thứ hai, sau khi lắng nghe những kinh nghiệm thúc đẩy văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Hàn Quốc thông qua hoạt động hợp tác quốc tế - do ông Choi Seung Jin (Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam trình bày), các đại diện của Bộ VHTTDL đã có thời gian trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với hai gương mặt trong cộng đồng hoạt động sáng tạo Việt Nam là bà Ngô Thị Bích Hạnh (BHD Vietnam Media Corp) và nhạc sỹ Quốc Trung xung quanh những mong muốn của doanh nghiệp, nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo đối với các cơ quan Nhà nước, cũng như những hỗ trợ, chia sẻ từ phía Đảng và Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp, người làm nghệ thuật có thể thuận lợi vượt qua thách thức, nắm bắt hiệu quả cơ hội khi hoạt động trong môi trường số.

BT

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-sang-tao-viet-nam-trong-ky-nguyen-so-a26984.html