Năm 2008, câu lạc bộ Đà Nẵng được tiếp quản bởi Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội và đổi tên thành SHB Đà Nẵng. Thời quá độ, trong khi hàng loạt các câu lạc bộ ở V.League thay tên, đổi chủ, có khi được chuyển giao với giá bèo bọt, việc SHB bỏ ra 100 tỷ đồng để chuyển giao đội bóng cùng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà ở cho chuyên gia, cầu thủ, huấn luyện viên… là sự kiện. Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng chính thức ra mắt vào đầu mùa bóng 2009 với nguồn lực tài chính mạnh, câu lạc bộ SHB Đà Nẵng đã đoạt ngay cú đúp, vô địch V.League và Cúp quốc gia 2009.
Thời kỳ hoàng kim của SHB Đà Nẵng gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng trong làng bóng đá như ông bầu Đỗ Quang Hiển, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và đặc biệt là sự ưu ái của cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Mùa bóng 2012, SHB Đà Nẵng tiếp tục thăng hoa khi đăng quang tại V.League và đoạt luôn Siêu cúp để hoàn thành bộ sưu tập thành tích tại giải chuyên nghiệp. SHB Đà Nẵng thời ấy được coi là hình mẫu để các câu lạc bộ tìm đến tham khảo với công thức thành công nhờ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo thành phố cùng sự đồng hành của người hâm mộ.
Tất nhiên, chẳng ai có thể đứng mãi trên đỉnh cao danh vọng. Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng có dấu hiệu thoái trào từ mùa giải 2015 khi thầy trò huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức thi đấu trầy trật và chỉ về đích ở vị trí thứ 9/14 đội. Vật vờ thêm 8 năm trời ở V.League mà không có thêm dấu hiệu khởi sắc nào. Tuy đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp từ năm 2009, nhưng thực ra câu lạc bộ SHB Đà Nẵng vẫn phải trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố, có khi lên tới 25 tỷ đồng mỗi mùa giải để duy trì các tuyến trẻ. Vậy nên, không ngạc nhiên khi Kiểm toán Nhà nước “tuýt còi” và đề nghị thành phố không được dùng ngân sách hỗ trợ cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, SHB Đà Nẵng lập tức gặp khó.
Hai mùa bóng liên tiếp, SHB Đà Nẵng thi đấu đầy bất ổn và sau khi thoát hiểm ở mùa bóng trước thì mùa này, dù đã thay cả Chủ tịch câu lạc bộ và huấn luyện viên, đội bóng vẫn phải nhận vé xuống hạng. Một cái kết đã được dự báo khi SHB Đà Nẵng không theo kịp xu thế chung ở sân chơi chuyên nghiệp và đang mất dần động lực. Sau 18 vòng đấu, đội bóng từng là thế lực ở V.League chỉ thắng được vỏn vẹn 2 trận, trọng đó có 1 trận thắng thủ tục ở vòng đấu cuối cùng khi mọi chuyện đã an bài.
SHB Đà Nẵng xuống hạng sau hơn hai thập niên đi từ đỉnh cao và dần tụt lại phía sau như sự cáo chung cho cách làm bóng đá đã lỗi thời và chưa thể đứng vững trên đôi chân của chính mình. Mô hình doanh nghiệp tài trợ cho đội lớn đá ở V.League lấy thành tích còn gánh nặng đào tạo cầu thủ trẻ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước giờ đây không còn phù hợp. Thậm chí, đã có câu lạc bộ phải giải thể như Quảng Ninh, trong khi nhiều câu lạc bộ ở V.League hiện tại cũng đã được Kiểm toán Nhà nước nhắc nhở, yêu cầu xuất toán và không dùng tiền ngân sách hỗ trợ cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.
Xuống hạng để làm lại cũng là cách tìm cho mình một hướng đi khác với cách làm mới, căn cơ, bài bản và có thực lực hơn thay vì trông chờ vào sự hào phóng nhất thời của các ông bầu, doanh nghiệp hay sự trợ giúp từ địa phương. Thực tế, SHB Đà Nẵng đang có được hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ tương đối tốt. Thậm chí, đội trẻ Đà Nẵng lọt vào tới bán kết giải hạng Nhì 2023, tuy để thua Đồng Tháp 5-6 ở loạt sút luân lưu 11m, nhưng vẫn còn cơ hội tranh vé play-off lên thi đấu ở giải hạng Nhất 2024. Cùng với những gương mặt trẻ xuất sắc, từng thử lửa ở V.League như Đình Duy, Phi Hoàng, Duy Cương, Văn Hữu… SHB Đà Nẵng có thừa thực lực để cạnh tranh suất thăng hạng mùa tới.
Hy vọng thất bại sẽ không phải là sự kết thúc với câu lạc bộ SHB Đà Nẵng và nỗi buồn xuống hạng ở mùa bóng 2023 sẽ mau chóng qua đi để ngày vui sớm trở lại trên sân Hòa Xuân.
Đan Phượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/vleague-2023-shb-da-nang-xuong-hang-va-su-thoai-trao-cua-nhung-bieu-tuong-cu-a26772.html