Nhiều kết quả trong 5 năm phối hợp
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 5486A/CTPH-BVHTTDL-BTLBP ngày 22/12/2017 về "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2017-2022", công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ VHTTDL với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, hai cơ quan đã tích cực phối hợp trong việc xây dựng dự án, đề án, chính sách liên quan đến công tác dân tộc; Thường xuyên cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc. Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng và triển khai liên tục.
Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các ban, bộ, ngành có liên quan và các địa phương luân phiên tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung và giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc.
Chương trình phối hợp đã đạt được kết quả hết sức to lớn trên nhiều mặt, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ và đồng bào các dân tộc vùng biên giới, biển đảo, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Hiện nay, 44/44 Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố có Nhà Văn hóa với gần 350 cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Về cơ bản ở 433 đồn Biên phòng đều có Tổ Tuyên truyền Văn hóa hoạt động kết hợp với công tác vận động quần chúng.
Hai cơ quan đã tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo chương trình, hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL thống nhất xây dựng chương trình hoạt động của các Tổ, Đội Tuyên truyền Văn hóa phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng đã cùng với ngành VHTTDL tham gia quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao; Các ấn phẩm văn hóa xuất, nhập qua biên giới. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật, truyền bá văn hóa xấu độc vào địa bàn biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số những tồn tại, hạn chế như: VHTTDL và gia đình là các hoạt động có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi rộng lớn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ để tạo nên tính hiệu quả cao trong công tác phối hợp; Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực sự chủ động, chưa đề xuất hoạt động phối hợp cụ thể để triển khai chương trình phối hợp đạt kết quả. Ở địa phương, hoạt động phối hợp giữa các Sở quản lý lĩnh vực VHTTDL với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố chưa đồng đều dẫn đến tình trạng triển khai thực hiện một số hoạt động phối hợp còn hạn chế.
Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, thống nhất cao, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn tản mạn, thiếu thống nhất. Kinh phí dành cho công tác VHTTDL, gia đình nhìn chung còn thấp. Đặc biệt, các tỉnh miền núi do nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn hết sức khó khăn.
Công tác xã hội hóa các hoạt động VHTTDL trên địa bàn vùng miền núi và dân tộc thiểu số rất khó khăn, gần như không có.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã trình bày dự thảo Chương trình Phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2023-2028.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra đúng thời điểm 30 năm ngày Bộ Văn hóa và Bộ đội Biên phòng ký kết chương trình phối hợp.
Nếu như trước đây chủ đề chương trình phối hợp là "Xây dựng đồn biên phòng là điểm sáng văn hóa trong khu vực biên giới" nhưng để phù hợp với bối cảnh từng giai đoạn nên chủ đề của chương trình phối giữa hai cơ quan đã được đổi tên. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng dù có đổi tên chủ đề như thế nào thì nội dung vẫn xoay quanh vị trí, vai trò quan trọng của lĩnh vực văn hóa.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa hai cơ quan, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua, hai cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và nghiêm túc. Chương trình phối hợp đã tạo nên diện mạo mới về công tác văn hóa, thể thao và gia đình khu vực biên giới.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong thời gian qua, nhờ đó đã tạo hiệu quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa của toàn lực lượng Biên phòng.
"Báo cáo đã khái quát được những nỗ lực của cả hai cơ quan thời gian qua. Đồng thời phản ánh khách quan những tồn tại, hạn chế, nhiều nội dung mà hai cơ quan vẫn chưa thực hiện được do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan" - Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đưa "ánh sáng" của văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng tình cao với sự đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, đặt trong sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, Nhân dân đóng vai trò chủ thể hưởng thụ, đội ngũ văn nghệ sĩ đóng vai trò sáng tạo. Để thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa, Bộ VHTTDL với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Bộ trưởng cho biết, với mong muốn đưa "ánh sáng" của văn hóa đến gần hơn nữa vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, giúp Nhân dân nơi đây được thụ hưởng, phát huy và sáng tạo nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mà hai bên đã ký kết.
Theo Bộ trưởng, nhìn lại 5 năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức đan xen, có nhiều vấn đề khó lường như dịch bệnh, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhưng vượt qua khó khăn đó, hai ngành đã thực hiện cơ bản các nội dung của chương trình phối hợp.
Từ chương trình định hướng, chương trình khung, hai ngành đã chủ động xây dựng 3 đề án có tính chất căn cơ, bài bản để qua văn hóa, bằng văn hóa hướng đến các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, phát triển kinh tế bằng mũi nhọn du lịch.
Theo Bộ trưởng, thông qua việc triển khai 3 đề án đó có thể nhìn thấy rõ 5 điểm sáng. Thứ nhất là hai ngành đã làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền chủ trương của Đảng Nhà nước đến nhân dân, đồng bào dân tộc với nhiều cách làm mới. Trong tuyên truyền pháp luật đã lồng ghép về văn hóa thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, tài liệu tuyên truyền. Công tác này đã bài bản, miệt mài, chu đáo, từng bước theo lộ trình cụ thể.
Thứ hai là đã tổ chức tốt các Ngày hội văn hóa, Lễ hội để đưa văn hóa đến vùng sâu vùng xa. Quá trình này lực lượng Bộ đội Biên phòng không đơn độc mà đã có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đoàn nghệ thuật ở địa phương.
Thứ ba là đã duy trì Ngày hội thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các Ngày hội đã giúp gắn kết, đoàn kết cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc và nhân dân.
Thứ tư là đã tập trung hướng dẫn phát triển các điểm du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới. Theo Bộ trưởng, nếu không có các điểm du lịch cộng đồng thì Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị sẽ rất khó lan tỏa đến vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Thứ năm là vai trò phối hợp của lực lượng, chiến sĩ Biên phòng thông qua các cuộc vận động, chương trình đã giúp đời sống tinh thần, vật chất của bà con nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn ở biên giới được quan tâm.
"Bộ VHTTDL cảm ơn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tích cực phối hợp trong thời gian qua để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà hai bên đã ký kết" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ 5 năm tới, trên tinh thần cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật mà Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn đã có sự đánh giá trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết trong công tác chỉ đạo phải tăng cường hơn nữa, những gì chưa làm được phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Trên cơ sở nhìn lại 5 năm đã thực hiện, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với chủ đề "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2023-2028" mà hai bên đã xây dựng trong dự thảo. Tuy nhiên, VHTTDL là lĩnh vực rộng lớn nên hai bên cần chọn việc, chọn điểm, chọn nhóm lĩnh vực cụ thể để làm. Sau khi ký kết, các đơn vị chuyên môn của hai bên cần tiếp tục làm việc để xây dựng chương trình chi tiết cho thời gian tới.
"Ví dụ như 5 năm tới, chúng ta có thể đầu tư 44 điểm du lịch cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới tại các tỉnh, thành phố có Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng. Nếu xem đây là mô hình mẫu thì cả hai bên cần tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả. Trước hết, Bộ VHTTDL sẽ giao nhiệm vụ các trường cao đẳng du lịch của Bộ để hỗ trợ người dân trong vấn đề đào tạo, tập huấn" - Bộ trưởng gợi mở.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ nghệ thuật của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Bộ VHTTDL sẽ bồi dưỡng, đào tạo và phát huy những chiến sĩ có năng khiếu trong lĩnh vực này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là vào năm 2024, nhân kỷ niệm 35 ngày truyền thống lực lượng Biên phòng Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Ngày hội VHTTDL ở dọc các vùng biên giới, hải đảo, nơi các chiến sĩ vẫn ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân. Thông qua đó làm nổi bật vai trò, hình ảnh của người chiến sĩ biên phòng, đồng thời tạo thêm sân chơi, không khí hứng khởi cho người dân ở vùng biên giới, hải đảo. Để triển khai được việc này cả hai bên cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng một chương trình tổng thể.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Dân tộc, các Bộ ngành liên quan để cùng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy chữ viết, tiếng nói của các đồng bào dân tộc. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
"Hiệu quả của Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong giai đoạn tới sẽ cao hơn khi chúng ta cùng nhìn về một hướng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký kết Chương trình Phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2023-2028. Chương trình có chủ đề: "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2023-2028" với 10 nhóm nhiệm vụ.
Mục đích của Chương trình nhằm phát huy kết quả Chương trình phối hợp đã triển khai giữa hai bên thời gian qua và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo.
Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai bên để tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình trên các tuyến biến giới, biển đảo nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, biển đảo. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đồng bào khu vực biên giới về chủ quyền, lãnh thổ, chính sách xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
TC