Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì hội nghị.
Tới dự có ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, một số sở, ngành của Hải Dương...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: 1 Luật, 8 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ ban hành 2 Thông tư liên tịch.
Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21.9.2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ ban hành là ví dụ điển hình về bảo vệ, quản lý các Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh theo hướng ngày càng tiệm cận với Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (UNESCO, 1972) và mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia tham khảo, áp dụng; góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa để hoạt động của các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp thực tiễn. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu đưa vào các quy định của pháp luật về di sản văn hóa việc bảo vệ và quản lý hệ thống di tích ở Việt Nam thời gian tới.
Để triển khai hiệu quả Luật Di sản văn hóa, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành cũng đã ban hành những văn bản pháp luật, quy định, quy chế, quy hoạch, đề án để phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có tổng cộng 300 văn bản liên quan được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hầu hết đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Sơn La, Kiên Giang, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp... 8 Di sản thế giới đã ban hành Kế hoạch quản lý, Quy chế bảo vệ của từng khu di sản.
Nhiều địa phương đã ban hành quy chế quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong phối hợp thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về di sản văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng. Tiêu biểu như thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhiều năm qua đã ban hành hàng chục quy chế bảo vệ và phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An, là căn cứ quan trọng để các cơ quan liên quan của địa phương trong quá trình quản lý, bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích, cấp phép các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cấp phép xây dựng, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng tới di tích.
Thống kê chưa đầy đủ, đã có tới hơn 200 văn bản được các cấp chính quyền ban hành trong hơn 10 năm qua. Nội dung nhiều văn bản liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực chủ đạo của di sản văn hóa phi vật thể như: quản lý, kiểm kê, lập hồ sơ, truyền dạy, liên hoan, phong tặng và các chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành, các biện pháp quản lý, phối hợp quản lý và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Một số địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh… đã ban hành các chính sách cụ thể đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể và đang triển khai hiệu quả. Hầu hết di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh đều có chương trình, dự án cấp tỉnh hoặc Trung ương được phê duyệt và triển khai.
Nhiều quy định về phân cấp phân quyền thực hiện nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện; phê duyệt các đề án, dự án về đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp trụ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các bảo tàng... cũng đã được các địa phương chủ động ban hành, giao nhiệm vụ cho các đơn vị để tổ chức thực hiện.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa được đánh giá có nhiều tiến bộ trong vấn đề phân cấp và kiểm soát thủ tục hành chính; hiện nay, đã có 14/25 thủ tục hành chính được phân cấp về địa phương. Các thủ tục hành chính đều đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Nhờ thực hiện phân cấp, phân quyền, phân nhiệm tương đối rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đã giúp việc nhận thức và thực thi đúng đắn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, các cơ quan quản lý có căn cứ để thực hiện thanh tra, xử lý các vi phạm; mặt khác, đã đặt di sản trong sự bảo hộ của pháp luật, giúp cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc ngày càng hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, hệ thống pháp lý hiện hành về cơ bản đã tạo ra cơ chế để gắn kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn luôn vận động, một số quy định không còn phù hợp, cần sửa đổi hoặc bãi bỏ; nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, cần bổ sung... Điều này đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các chính sách về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với tình hình mới và bảo đảm tính khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia tích cực, những giải pháp, đề xuất của các đại biểu và cho biết Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội phương án, lộ trình giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực di sản văn hóa và giáo dục mầm non...
Hà An
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-trong-linh-vuc-di-san-van-hoa-a26669.html