Kiểm kê, bảo quản hiện vật còn hạn chế
Hiện vật bảo tàng là xương sống cho mọi hoạt động chuyên môn từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày phát huy giá trị hiện vật trong mỗi bảo tàng. Chính vì thế, trong những năm qua, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành phố quan tâm như: đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất, cũng như các thiết bị để bảo quản và kiểm kê hiện vật, áp dụng công nghệ vào quản lý hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các bộ sưu tập…
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: Trong những năm gần đây, việc triển khai tổng thể các giải pháp để giải quyết các tồn tại về công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Tiến hành tổng kiểm kê được trên 75% số lượng hiện vật, chỉnh lý bổ sung gần 9.000 thông tin; lập danh mục hiện vật chưa có số đăng ký, hiện vật cần chỉnh lý, bổ sung thông tin, hiện vật cần ưu tiên bảo quản tu sửa... để có kế hoạch từng bước giải quyết. Kết hợp bảo quản phòng ngừa với bảo quản trị liệu để hạn chế tối đa sự xuống cấp của hiện vật qua thời gian. Đẩy mạnh công tác số hóa tài liệu, hiện vật trong đó hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, triển khai nhập liệu trên 80% phiếu hiện vật để đưa vào khai thác, sử dụng.
Bên cạnh những kết quả nhất định, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật hiện nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: Việc đăng ký, quản lý hiện vật chưa được phân loại khoa học, vẫn còn tồn tại song song hai loại sổ đăng ký dẫn đến việc bị trùng số đăng ký, khó tổng hợp số lượng báo cáo và không đúng với nguyên tắc quản lý hiện vật của bảo tàng học. Hiện vật còn thiếu thông tin cơ bản, việc kiểm kê khoa học chưa hoàn thành…"
Xác định được tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa và để gìn giữ tốt những giá trị văn hóa ấy, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung nguồn lực để làm tốt công tác bảo quản hiện vật, nhất là công tác bảo quản phòng ngừa.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản - Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Khánh Hồng chia sẻ: Do diện tích của các kho nhỏ hẹp, không tập trung, không có lối đi riêng biệt, nên khó có thể trang bị thang máy chuyên dùng, các hệ thống giá treo tự động, kệ đa năng, xe nâng hạng nặng... để lưu trữ và hỗ trợ sức người trong quá trình vận chuyển và sắp xếp hiện vật có kích thước và trọng lượng lớn; đồng thời sẽ không đảm bảo được tính an toàn tuyệt đối và thuận lợi, điều này tác động không nhỏ đến sức khỏe an toàn cho con người và rất dễ làm hiện vật bị "tổn thương".
Việc kiểm soát ánh sáng ngoài hệ thống trưng bày bảo tàng, ngăn ngừa bụi, ô nhiễm không khí vẫn chưa thực sự đảm bảo tuyệt đối vì còn nguồn sáng từ các thiết bị điện tử, ánh sáng tự nhiên xâm nhập và vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn lượng bụi trong không khí.
Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được phần mềm quản lý hiện vật riêng của Bảo tàng nên trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê - bảo quản gặp một số hạn chế về quản lý hiện vật, tra cứu thông tin chậm, thiếu chính xác gặp khó khăn trong công tác theo dõi, báo cáo, đánh giá tình trạng hiện vật.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế Ths. Đinh Thị Hoài Trai, cho biết: "Cơ sở vật chất từ kho bảo quản đến hệ thống trưng bày đều tận dụng công trình cũ sửa chữa cải tạo lại để sử dụng nên không phù hợp với công năng hoạt động của bảo tàng. Tổng diện tích kho cơ sở của bảo tàng (lưu trữ hơn 1500 tư liệu, tác phẩm/hiện vật) chỉ có hơn 100m2 nên không thể đáp ứng yêu cầu kho lưu trữ tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài ra, kinh phí hoạt động bảo tàng nói chung, hoạt động lưu trữ, bảo quản nói riêng rất hạn hẹp. Không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật (theo đúng tiêu chuẩn), thiếu các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tia cực tím, ẩm kế... do đó các tác phẩm đang trưng bày chịu tác động trực tiếp các yếu tố môi trường, khí hậu và yếu tố con người đặc biệt là điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương. Lý do này ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng, hiện trạng của tác phẩm. Đội ngũ cán bộ chuyên môn bảo quản còn thiếu, đặc biệt là không có cán bộ bảo quản chuyên sâu để chủ động thực hiện bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu".
Kéo dài "tuổi thọ" cho các hiện vật
Trước thực trạng đó, để nâng cao công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật trong bảo tàng, Ths. Đinh Thị Hoài Trai cho rằng: Mỗi bảo tàng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn giỏi. Đặc biệt, cần phải chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho cán bộ quản lý cũng như cán bộ chuyên môn, nhất là các cán bộ trẻ. Cùng với đó, cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho kho cơ sở và hệ thống trưng bày. Tiếp tục đầu tư và làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa, triển khai bảo quản trị liệu một cách khoa học và phù hợp về các nguyên tắc, quy định bảo quản nhằm kéo dài "tuổi thọ" cho tài liệu, hiện vật.
Đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác kiểm kê, bảo quản và đặc biệt phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày được thuận tiện, sáng tạo hơn. Ngoài ra, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc bảo vệ, kiểm soát môi trường trưng bày, các thiết bị cảm ứng nhiệt, độ ẩm và các thiết bị quan sát ban đêm là các ứng dụng hữu ích cho việc kiểm soát môi trường trong trưng bày; kiểm soát an ninh, an toàn cho hiện vật trưng bày đảm bảo không bị đánh cắp.
Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Ths. Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: "Để kéo dài tối đa tuổi thọ cho hiện vật, các bảo tàng cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng kho cơ sở. Đầu tư trang thiết bị bảo quản, đảm bảo môi trường ổn định, tránh được các rủi ro từ thiên nhiên, sinh học và con người, thực hiện tốt công tác bảo quản phòng ngừa cho hiện vật trong kho và hiện vật trưng bày thường xuyên.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác kiểm kê, bảo quản, tu sửa. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi số và số hóa di sản văn hóa cho cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện số hóa hiện vật, quản lý và khai thác phần mềm quản lý hiện vật".
Với thời đại công nghệ số hiện nay để công tác kiểm kê, bảo quản có hiệu quả, Trưởng phòng Nghiệp vụ – Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Ths. Trương Nguyễn Nguyên Kha đề xuất: "Phiếu hiện vật, sổ đăng ký hiện vật, sổ xuất nhập kho hiện vật, sổ Phân loại hiện vật, không viết tay thủ công mà nhập bằng máy tính cho thuận tiện công tác chỉnh sửa bổ sung nội dung và quản lý, rút ngắn thời gian làm việc. Hơn nữa, để thực hiện xu hướng công tác số hóa hiện vật, chúng ta cần phải xây dựng một phần mềm mới dễ sử dụng tiện ích, phù hợp với bảo tàng mỹ thuật để thực hiện công tác nhập thông tin dữ liệu, rà soát tìm kiếm và quản lý hiện vật của bảo tàng một cách khoa học hơn.
Ngoài ra, các bảo tàng cần thường xuyên nghiên cứu xây dựng các bộ sưu tập hiện vật nhằm khai thác giá trị phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng, đồng thời nghiên cứu, chọn lọc những tác phẩm có giá trị đặc sắc, nổi bật để xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia".
Bộ VHTTDL
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/de-cac-hien-vat-keo-dai-them-tuoi-tho-a26477.html