Tuy nhiên, theo các chuyên gia dàn dựng nghệ thuật Lễ khai mạc SEA Games 31, những khán giả không có điều kiện theo dõi trực tiếp trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình cũng không phải chịu nhiều "thiệt thòi".
Ông Nguyễn Hữu Thanh - chuyên gia cố vấn hình ảnh, điều phối kỹ thuật công nghệ đêm khai mạc, bế mạc SEA Games cho biết, với công nghệ Mapping và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), khán giả xem qua truyền hình, smartphone sẽ cảm nhận được hiệu ứng tuyệt vời của công nghệ.
Chẳng hạn, với màn rồng bay lượn, khán giả xem truyền hình sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh thăng hoa sống động khi chú rồng bay lượn từ tâm mặt sàn sân khấu (8.000m2) của Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cuộn tròn rồi bay lượn vòng quanh sân khấu và toàn bộ trên sân.
Trong khi đó, với mắt thường, khán giả trên sân chỉ thấy chú rồng trên màn hình dựng của sân khấu (800m2).
Theo lý giải của ông Nguyễn Hữu Thanh, vì là "ảo tăng cường" nên khán giả xem qua các nền tảng truyền hình, smartphone lại thấy được.
Đó là công nghệ hiện đại mà thế giới sử dụng như các kỳ Olympic tại Rio (Brazil), Tokyo (Nhật Bản) cùng nhiều kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn.
Dù không tiết lộ chi tiết kịch bản Lễ khai mạc SEA Games 31 song ông Nguyễn Hữu Thanh khẳng định: "Chương trình rất đẹp, tuyệt vời!".
C.P