Kỳ 2: Một thời đam mê, một thời sóng gió
Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, khi bóng đá nữ vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí còn không được thừa nhận bởi những định kiến, rằng “phụ nữ chân yếu tay mềm, mặc quần đùi ra sân đá bóng còn ra thể thống gì”. Tuy không có bất cứ văn bản nào cấm đoán phụ nữ đá bóng hay thành lập đội bóng nữ, nhưng đôi khi “luật bất thành văn” hay lệnh miệng cũng đủ khiến những ai có ý định theo đuổi bóng đá nữ nản lòng, thậm chí bị kỳ thị, ngăn cản. Ở thành phố Hồ Chí Minh thời ấy, những người hâm mộ thể thao đều biết tới ông Tư Ngữ, với cách làm táo bạo, tiên phong mở đường cho những môn thể thao như thể dục nhịp điệu, aerobic, xe đạp nữ và đặc biệt là bóng đá nữ…
Dù không được cấp kinh phí, nhưng ông Tư Ngữ vẫn quyết tâm theo đuổi và tập hợp được đội bóng nữ với các cầu thủ là vận động viên điền kinh và thu hút được nhiều chị em đam mê bóng đá cùng nhau tập luyện. Đội tuyển bóng đá nữ quận 1 khi ấy không có đối tượng để thi đấu, rèn luyện nên thường phải đá với các đội nam. Cả nước thời đó cũng chỉ có 3 đội bóng nữ, ở thành phố Hồ Chí Minh, ngoài quận 1 còn có đội nữ quận 5, tập luyện cầm chừng rồi phải giải tán. Ở Hà Nội đỡ hơn vì có ông Hoàng Vĩnh Giang, khi ấy làm giám đốc sở Thể dục thể thao ủng hộ phát triển bóng đá nữ tại Thủ đô, trong khi ở thành phố Hồ Chí Minh khó khăn hơn, thậm chí bị cấm đoán.
Nhưng sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đam mê cuối cùng cũng được đền đáp. Từ năm 1985, môn bóng đá nữ đã được đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games với sự tham gia của 3 đội bóng, gồm chủ nhà Thái Lan, Singapore và Philippines. Nhưng các cuộc tranh tài chính thức của môn bóng đá nữ mãi 10 năm sau mới diễn ra sôi nổi tại SEA Games 1995 tổ chức ở Chiangmai (Thái Lan). Năm 1996, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia được thành lập với nòng cốt là các cầu thủ nữ của 2 đội bóng quận 1, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Huấn luyện viên Mai Đức Chung chính là người đầu tiên dẫn dắt các tuyển thủ nữ thi đấu tại giải tiền SEA Games tại Malaysia và đoạt ngay chức vô địch.
Thành tích đầu tay của đội tuyển nữ Việt Nam đã cho thấy được tiềm năng. Tại SEA Games 1997, đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tham dự và giành huy chương đồng, sau khi đánh bại Indonesia 2-0 ở trận tranh hạng 3. Giải vô địch Bóng đá nữ quốc gia lần đầu được tổ chức vào năm 1998 với sự góp mặt của 14 đội bóng thi đấu vòng loại để chọn ra 7 đội tham dự vòng chung kết tổ chức tại Hà Nội và Hà Tây. Đội Hà Nội lên ngôi vô địch sau khi vượt qua thành phố Hồ Chí Minh 3-0 ở trận chung kết.
Đội nữ Hà Nội giành ngôi vô địch 10 lần, trong khi thành phố Hồ Chí Minh có tới 11 lần lên ngôi, Than Khoáng Sản Việt Nam có 2 lần vô địch, trong khi Hà Tây và Phong Phú Hà Nam cũng đã có 1 lần. Tới năm 2019, bóng đá nữ Việt Nam có thêm Cúp Quốc gia, nhưng nhiều đội bóng gặp khó khăn tài chính, thiếu kinh phí hoạt động, chưa thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ nên nguồn thu từ các nhà tài trợ cũng rất hạn chế. Nhiều thế hệ cầu thủ nữ, theo đuổi sự nghiệp bóng đá dù có nhiều đóng góp nhưng khi giải nghệ lại lận đận và gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Kể từ năm 2019, giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia thi đấu theo thể thức League, đá lượt đi - lượt về để các câu lạc bộ dần chuyển sang chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các câu lạc bộ tham dự giải cũng chỉ tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sau này có Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên… Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 chỉ có 7 đội tham dự, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 4 đội, 3 đội còn lại là Hà Nam, Thái Nguyên và Than Khoáng Sản Việt Nam. Cúp Bóng đá nữ quốc gia 2023 chỉ có 6 đội, vừa kết thúc hồi đầu tháng 3 với chức vô địch thuộc về Than Khoáng Sản Việt Nam.
Bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích, khẳng định vị thế số 1 ở khu vực Đông Nam Á và đặc biệt có lần đầu tiên góp mặt tại Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới - FIFA World Cup nữ 2023. Năm 2022, tiền đạo Huỳnh Như là cầu thủ nữ đầu tiên xuất ngoại, sang thi đấu lại Bồ Đào Nha, 2 cầu thủ của câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Mỹ Anh, Lê Hoài Lương được chuyển nhượng đến Thái Nguyên với bản hợp đồng chuyên nghiệp. Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam đã sang trang mới, sau những thăng trầm, sóng gió và cả ngọn lửa đam mê luôn cháy bỏng.
Kỳ 3: Đội tuyển nữ Việt Nam viết nên kỳ tích
Việt Hưng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bong-da-nu-viet-nam-mot-the-ky-va-giac-mo-world-cup-ky-2-a25806.html