Ông có thể cho biết công tác kiểm tra doping tại SEA Games 31 được chuẩn bị ra sao?
Công tác chuẩn bị kiểm tra doping đã được bắt đầu từ sớm. Chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị về nhân sự, tiến hành tập huấn, liên hệ với các địa điểm thi đấu để nêu các yêu cầu và thực hiện kiểm tra về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan kiểm tra doping, cũng như chuẩn bị vật tư, trang thiết bị bảo đảm theo đúng quy trình chung của thế giới. Trong năm 2021, đã có đợt tập huấn đầu tiên cho cán bộ làm công tác kiểm tra doping của SEA Games 31.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, chúng tôi tập trung triển khai 4 nội dung, gồm: Tiếp tục tập huấn, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tiến hành mời chuyên gia quốc tế và liên hệ với đoàn thể thao các nước thông báo các quy định, yêu cầu của Ban tổ chức.
Về cơ bản, các công tác chuẩn bị đến lúc này hầu như đã hoàn tất. Hiện tại, chúng tôi đang kiểm tra các địa điểm thi đấu để bảo đảm mọi khâu được phục vụ đúng quy định. Đợt tập huấn lần 3 được tổ chức ngay trong tuần đầu của tháng 5.
Dự kiến, chúng tôi sẽ huy động 145-150 cán bộ, chuyên gia tham gia công tác kiểm tra doping tại SEA Games 31. Trong đó, có 18 chuyên gia quốc tế uy tín của Singapore, Thái Lan, Philippines và một số quốc gia khác.
Ông đánh giá như thế nào về kết quả kiểm tra tại một số địa điểm thi đấu?
Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping SEA Games 31 đã tiến hành kiểm tra hầu hết các địa điểm và có thể khẳng định, tất cả đã hoàn thiện hết các khâu chuẩn bị theo đúng yêu cầu.
Còn lại một vài chi tiết nhỏ, Tiểu ban chúng tôi sẽ hỗ trợ ban tổ chức các môn đấu của các địa phương hoàn tất nốt quy trình, bảo đảm đạt chuẩn quy định.
SEA Games 31 tổ chức phân tán ở 12 tỉnh, thành phố, trong khi đó, việc lấy mẫu kiểm tra doping đòi hỏi quy trình khá chặt chẽ. Vậy, phải làm gì để thực hiện công tác này bảo đảm chính xác, hiệu quả, thưa ông?
Có đến 526 nội dung, số bộ huy chương rất nhiều, đồng nghĩa với việc số mẫu kiểm tra doping chắc chắn không nhỏ. Việc lấy mẫu phải theo quy trình chặt chẽ, không cho phép sai sót, đòi hỏi sự tập trung rất lớn của cán bộ chuyên môn. Quá trình lấy mẫu được thực hiện kéo dài, thường kết thúc rất muộn, chưa kể khâu tổ chức, vận chuyển, bảo quản đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, việc di chuyển trong điều kiện có rất nhiều địa điểm thi đấu, ở nhiều tỉnh, thành phố, đòi hỏi chúng ta phải phân bổ lực lượng giám sát, điều hành di chuyển liên tục, thực hiện công tác kiểm tra, phối hợp, phản ánh…
Tiêu chí đặt ra là chúng ta phải tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của thế giới về kiểm tra doping, thực hiện thao tác cẩn trọng, nhanh chóng, chính xác và an toàn. Qua các đợt tập huấn, thực hành của học viên thời gian qua, tôi đánh giá lực lượng thực hiện công tác này đều bảo đảm yêu cầu chuyên môn.
Thể thao Việt Nam từng có những sự cố rất đáng tiếc, khi vận động viên vô tình bị “dính” doping do sử dụng thuốc không đúng quy định. Ông có lời khuyên gì đối với lãnh đội, huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển Việt Nam?
Thứ nhất, toàn bộ vận động viên phải thực hiện đúng quy định của Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping, khai báo thông tin cần thiết theo yêu cầu.
Thứ hai, trong thời gian thi đấu, phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của cán bộ kiểm tra doping đề ra, bởi mọi vi phạm đều bị xem xét. Vận động viên sau khi thi đấu dù có thành tích tốt hay không đều phải phối hợp chặt chẽ với chuyên gia lấy mẫu để bảo đảm tính chính xác.
Trân trọng cảm ơn ông!
M.Hoa
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/can-trong-khoa-hoc-chinh-xac-khi-kiem-tra-doping-a2568.html