Nghệ thuật trình diễn được xếp vào nhóm học nghề chịu độc hại, nguy hiểm

Trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng mới được ban hành nhằm cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thực tế đào tạo mới phát sinh…, đáng chú ý có hàng chục nghề trong nhóm trình diễn nghệ thuật.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

xiec-1687439490.jpg
Các nghệ sĩ trình diễn tại Liên hoan Xiếc quốc tế. Ảnh: TTXVN

Thông tư 05 được áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày 30.7, là thời điểm thông tư có hiệu lực.

Thông tư 05 được ban hành thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH (được ban hành ngày 29/12/2017). Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư 05 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 36 cho đến khi kết thúc khóa học.

Được biết, Thông tư 36 ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với 117 ngành, nghề ở trình độ trung cấp và 84 ngành, nghề trình độ cao đẳng. Sau 5 năm thực hiện Thông tư 36, có nhiều ý kiến cho rằng cần cập nhật, bổ sung danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cho phù hợp với điều kiện thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Đáng chú ý, trong số các ngành, nghề được bổ sung, có 20 ngành, nghề trình độ trung cấp và 9 ngành nghề trình độ cao đẳng thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn. Theo Thông tư 36 thì không có ngành, nghề học nào thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn.

Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng mới được ban hành nhằm mục đích cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo mới phát sinh; hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yêu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Qua đó tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

X.M

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nghe-thuat-trinh-dien-duoc-xep-vao-nhom-hoc-nghe-chiu-doc-hai-nguy-hiem-a25419.html