Đà Lạt: Quyết tâm trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam

Mới đây, tại Thành phố Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo tham vấn hồ sơ thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO do Ủy ban nhân dân thành phố, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức.

da-lat-1-1686663513.jpg
Ảnh: Ban tổ chức Hội thảo

Tham dự buổi Hội thảo có TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ông Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, lãnh đạo các ban ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố, các chuyên gia quốc tế từ Vương quốc Anh và Hàn Quốc cùng đông đảo chuyên gia văn hóa trong nước, đại diện các tổ chức văn hóa sáng tạo, người làm nghệ thuật và cộng đồng người dân thành phố Đà Lạt.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Quang Tú -  Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt nhấn mạnh, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng của cả nước, Đà Lạt còn là nơi tập trung của hơn 20 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng. Chính vì vậy, thành phố sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả âm nhạc.

Theo ông Đặng Quang Tú, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc 130 năm hình thành và phát triển của thành phố. Vì vậy, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó đẩy mạnh công nghiệp văn hóa về âm nhạc của địa phương.

Còn Ông Phạm S. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố Đà Lạt đã và đang thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực hết sức trong công tác chuẩn bị hồ sơ ứng của danh hiệu thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO, đồng thời coi đây là cơ hội để thành phố tăng cường học hỏi kinh nghiệm khi hoạch định chính sách, mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế, góp phần thúc đẩy Đà Lạt phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. 

Trong bài phát biểu dẫn đề, TS. Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã nêu lên những cơ hội dành cho các thành phố khi gia nhập Mạng lưới của UNESCO như đẩy mạnh sáng tạo và gia tăng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho kinh tế địa phương; tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa, khơi gợi sức sáng tạo của cộng đồng; bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng, độc đáo về văn hóa của địa phương; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các nghệ sỹ, doanh nghiệp với môi trường quốc tế; góp phần xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh cho thành phố… Tuy nhiên, các thành phố thành viên của Mạng lưới cũng phải đối mặt với không ít thách thức bao gồm sự cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực; phải bố trí đủ nguồn lực toàn diện để duy trì kết nối và tận dụng được các cơ hội hợp tác quốc tế và đặc biệt là phải thực hiện được các cam kết với UNESCO nhằm tránh tình trạng bị tước danh hiệu… 

da-lat-2-1686663523.jpg
Ảnh: Ban tổ chức Hội thảo

Cục Hợp tác quốc tế hiện là đơn vị đầu mối triển khai nhiệm vụ xây dựng mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam trong Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO. Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ thành phố trong quá trình chuẩn bị, nộp hồ sơ và sau đó là triển khai các cam kết với UNESCO sau khi thành phố Đà Lạt tham gia Mạng lưới. Bà Nguyễn Phương Hòa cũng đưa ra một số kiến nghị cho thành phố như chính quyền cần tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của các cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nghệ sỹ, khơi gợi niềm tự hào và sức sáng tạo cống hiến của mỗi người Đà Lạt vốn tiềm ẩn là một người nghệ sỹ; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, nuôi dưỡng các cộng đồng sáng tạo địa phương, các sáng kiến trong thế hệ trẻ…

Chương trình hội thảo gồm 2 phiên. Phiên thứ nhất có tựa đề “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - tầm nhìn, nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn”. Thông qua phần trình bày và chia sẻ của các chuyên gia như bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Kiều Việt Cường - cán bộ chương trình của UN Habitat... đã cung cấp thông tin tổng quan về Mạng lưới của UNESCO, thủ tục nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới và một số lưu ý không thể bỏ qua trong quá trình xây dựng hồ sơ. Phiên thứ hai “Âm nhạc kết nối - lộ trình và sáng kiến thành phố Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” tập trung vào việc tham vấn cho hồ sơ của thành phố Đà Lạt. 

da-lat-3-1686663503.jpg
Ảnh: Ban tổ chức Hội thảo

Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO với những giá trị Đà Lạt nguyên bản

Trình bày dự thảo Hồ sơ của thành phố Đà Lạt, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ chính là cuộc hành trình đi tìm lời giải cho 3 câu hỏi lớn: “Tại sao Đà Lạt nên gia nhập UCCN?”, “Cơ hội và thách thức cho Đà Lạt (khi gia nhập Mạng lưới” và “làm thế nào để gia nhập UCCN”. Đánh giá cao quyết tâm của chính quyền Đà Lạt mong muốn trở thành thành phố tiên phong của Việt Nam gia nhập Mạng lưới UNESCO để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp âm nhạc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã rất tích cực “hiến kế” cho “thành phố ngàn hoa”.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Hà Nội hy vọng sẽ sớm có người đồng hành trong hành trình này. Ông Đỗ Đình Hồng cũng nhấn mạnh, thành phố Đà Lạt cần chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong quá trình phát triển ngành công nghiệp âm nhạc địa phương và hội nhập quốc tế. 

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù sở hữu di sản văn hóa cồng chiêng đặc sắc, cùng kho tàng đồ sộ các ca khúc viết về thành phố, tuy nhiên, Đà Lạt cần phải phát triển nhiều thể loại và hỉnh thức hơn như cổ điển… Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung. Theo ông, Đà Lạt cần phải coi công nghiệp sáng tạo, cụ thể hơn là công nghiệp âm nhạc phải đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải tạo ra được các giá trị kinh tế và tinh thần nhất định, ngày càng đóng góp cao hơn cho kinh tế xã hội địa phương. Nhà sáng lập Monsoon Festival cũng chia sẻ về ý tưởng một thành phố Đà Lạt “không còi xe” nơi mọi người có thể lắng nghe những âm thanh của cuộc sống và thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn hơn. 

Hội thảo cũng lắng nghe nhiều đóng góp và sáng kiến từ chính những chuyên gia, nghệ sỹ, đại diện các cộng đồng tại Đà Lạt như ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, TS Mai Minh Nhật, Phó Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt, nhạc sỹ Nguyễn Cao Nguyên - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng… Những chủ thể thực sự của thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt trong tương lai đều bày tỏ mong muốn thành phố trở thành một thành viên của Mạng lưới UNESCO, quyết tâm đưa công nghiệp âm nhạc Đà Lạt lên tầm cao mới với hạt nhân chính là thế hệ trẻ; tuy nhiên quá trình này phải được thực hiện song song với việc duy trì các giá trị nguyên gốc của bản sắc Đà Lạt và những di sản truyền thống mà cha ông để lại. 

Bên cạnh các “tiếng nói” từ Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham gia của hai chuyên gia quốc tế đến từ hai thành phố Âm nhạc UNESCO là Daegu (Hàn Quốc) và Belfast (Bắc Ai-len). Bà Inkyoung Kim - Trưởng ban Hợp tác quốc tế về văn hóa, chính sách văn hóa và nghệ thuật thành phố Daegu và bà Charlotte Dryden - Giám đốc điều hành của trung tâm âm nhạc Oh Yeah Music tại Belfast đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực không chỉ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ của Đà Lạt mà còn cả việc triển khai các cam kết với UNESCO sau khi thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới. 

Lan Phương

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/da-lat-quyet-tam-tro-thanh-thanh-pho-sang-tao-am-nhac-dau-tien-cua-viet-nam-a25113.html