Phát huy giá trị Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), ngày 12/6, Đảng ủy Công an Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

cand-1-1686568400.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. 

Chỉ đạo hội nghị có Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đồng chủ trì hội nghị.

Bảo đảm sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động

Hội thảo là hoạt động ý nghĩa nhằm tiếp tục quán triệt, thực hiện và đưa Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” vào thực tiễn. Ý nghĩa hơn khi Hội thảo được tổ chức trên quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, người soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Hội thảo cũng là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Đảng ủy Công an Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cơ quan do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách trong những ngày đầu thành lập.

cand-2-1686568400.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Với lực lượng Công an nhân dân, những giá trị văn hóa tỏa ra từ Đề cương góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Những giá trị văn hóa truyền thống còn củng cố, thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa người chiến sĩ Công an với nhân dân, đất nước.

Những định hướng lớn trong Đề cương giúp lực lượng Công an nhân dân luôn khắc ghi tinh thần phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phục tùng sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng về mọi mặt; kiên định với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin; bảo đảm sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động.

Bằng mưu trí, lòng dũng cảm, sự khôn khéo, nhạy bén trong nắm bắt và xử lý tình huống, lực lượng Công an đã có nhiều đóng góp quan trọng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Khởi nguồn từ những giá trị văn hóa truyền thống, Đề cương có sự kế thừa, bổ sung và đưa ra những định hướng lớn cho sự vận động và phát triển của nền văn hóa trong bối cảnh mới. Phát huy giá trị của Đề cương trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là việc làm thiết thực, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh, tình hình mới với những vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu như: Khẳng định và làm sâu sắc ý nghĩa lịch sử, tinh thần thời đại và những giá trị vững bền của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, phát triển của lịch sử dân tộc, trong công cuộc kháng chiến kiến quốc và xây dựng nền văn hóa mới; phát huy vai trò của văn hóa trong việc xây dựng, hình thành nhân cách, phẩm chất người chiến sĩ Công an nhân dân: tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội; xây dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa, các tấm gương điển hình của lực lượng Công an nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Qua Hội thảo cần có đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để chuyển hóa các giá trị văn hóa thành các tiêu chí, những quy định trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; là lực lượng vũ trang trọng yếu, “thanh kiếm sắc bén và lá chắn vững chắc”, đặc biệt tin cậy, tuyệt đối trung thành của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia...

Giá trị, ý nghĩa to lớn trong xây dựng lực lượng Công an

cand-3-1686568400.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: “Đề cương về văn hóa Việt Nam” có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa Công an nhân dân và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục thực hiện tốt việc quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa Công an nhân dân liêm chính, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, hạt nhân là xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng bộ Công an nhân dân với những giá trị quý báu: “Văn hóa chính trị “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh”, “đoàn kết”; Văn hóa công vụ “tận tụy”, “tận tâm”, “liêm khiết”; Văn hóa ứng xử “vì Nhân dân phục vụ”...

Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức Đảng trong Công an nhân dân, xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, để Công an thực sự là lực lượng tin cậy, chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, của cả hệ thống chính trị và lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới.

Cán bộ, chiến sĩ, đảng viên Công an nhân dân phải thực sự mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác Công an, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; các phong trào văn hóa, văn nghệ trong Công an nhân dân cần được duy trì thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, hướng đến mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, vào năm 2025, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/phat-huy-gia-tri-de-cuong-van-hoa-viet-nam-trong-xay-dung-luc-luong-cong-an-nhan-dan-a25076.html