Ông thầy mới chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi cả về đội hình, lối chơi cũng như cách dùng người. Dưới thời ông Park, các tuyển thủ được huấn luyện viên Hàn Quốc luyện rất kỹ “tuyệt chiêu” phòng ngự - phản công khiến các đối thủ mạnh nhiều phen “ngậm đắng nuốt cay” khi nôn nóng và dính đòn “hồi mã thương”. Với huấn luyện viên Troussier, phòng ngự - phản công không còn là sự lựa chọn thích hợp với đội tuyển đang nuôi tham vọng giành vé dự World Cup, thay vào đó là lối chơi tấn công và chủ động kiểm soát bóng theo phong cách “cửa trên” của các đội bóng mạnh.
Đã có không ít hoài nghi với câu hỏi, các tuyển thủ Việt Nam hiện tại liệu có đủ khả năng để tự tin cầm bóng, chơi tấn công và kiểm soát theo đúng ý đồ của huấn luyện viên Troussier? Thực tế ở đội tuyển U22 Việt Nam đã cho thấy, tuy có gặp đôi chút khó khăn ở giai đoạn đầu nhưng các cầu thủ trẻ được ông Troussier tin tưởng đã chơi tốt dần lên sau từng trận đấu. Bây giờ đến lượt đội tuyển Việt Nam phải làm quen với lối chơi mới với sự sắp đặt của ông thầy mới. Không phải bỗng dưng ông Troussier quyết định gọi nhiều tân binh lên đội tuyển, bởi người mới sẽ dễ bắt nhịp với lối chơi mới hơn các cựu binh, vốn vẫn còn lưu luyến và ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi thầy cũ.
Thực tế đã có người đặt câu hỏi, huấn luyện viên Troussier sẽ kế thừa những gì từ di sản đồ sộ mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã để lại? Xin thưa là còn tùy cách nhìn nhận vấn đề của từng cá nhân và kế thừa không có nghĩa phải sử dụng lại những con người cũ, đá theo lối cũ và đi vào lối mòn của người tiền nhiệm. Thầy mới, đương nhiên phải có cách làm mới với động lực mới và cả những mục tiêu mới cần chinh phục. Vì thế, chuyện ông thầy mới gọi nhiều tân binh lên đội tuyển cũng chẳng có gì lạ, thậm chí có nhiều cái tên lạ hoắc như Lâm Ti Phông, Thành Long, Bùi Văn Đức, Đinh Thanh Bình, Tiến Anh… ở đội tuyển hay Andrej Nguyễn Đức An Khánh hay Nguyễn Văn Việt ở U23 Việt Nam.
Dù mới chỉ có hơn 3 tháng tiếp quản đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, nhưng huấn luyện viên Troussier cũng đã tập hợp được danh sách hơn 100 gương mặt tiềm năng và khoảng 20 cầu thủ gốc Việt được “quy hoạch” cho đội tuyển, trong đó có rất nhiều cái tên mới. Hơn chục tân binh được gọi lên đội tuyển đợt này chỉ là bước đi ban đầu để làm mới đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên, sẽ có những khó khăn xuất hiện trong quá trình chuyển giao lực lượng và bản thân huấn luyện viên Troussier cũng đã xác định, sẽ chẳng có con đường nào bằng phẳng và để có được thành công, đôi khi cũng phải đánh đổi bằng những thất bại.
Việt Hưng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/doi-tuyen-viet-nam-thay-moi-tro-moi-va-dong-luc-moi-a24949.html