Khai mạc trưng bày 'Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội'

Sáng nay (18/5), Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc trưng bày “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”, giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1601-1684415305.jpeg
Lễ cắt băng khai mạc trưng bày "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội". Ảnh: VGP

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc rất nhiều nơi, trong đó Thủ đô Hà Nội là nơi Người gắn bó lâu nhất (17 năm, từ năm 1945-1946 và từ năm 1954-1969). Hà Nội ghi dấu 292 địa danh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.

Hà Nội là nơi ghi dấu tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Tư tưởng, tình cảm và những lời căn dặn ân cần, sâu sắc của Người đến nay là di sản vô giá, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tại trưng bày, ở nội dung "Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ" công chúng đã được chứng kiến, tìm hiểu về những địa điểm ghi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động các mạng của Bác tại Hà Nội, như: Hà Nội đón Bác, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Hà Nội đóng góp tinh thần vật chất cho kháng chiến: Phong trào hũ gạo cứu đói, diệt giặc dốt, mít tinh, bầu cử… Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, ngày Bác đi xa.

Với nội dung "Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội", trưng bày giới thiệu các tài liệu về sự quan tâm, chỉ đạo của Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trên các lĩnh vực: Xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; xây dựng an ninh quốc phòng; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; tình cảm của Người với các tầng lớp nhân dân: phụ nữ, thanh thiếu niên nhi đồng...

Đối với nội dung "Hà Nội làm theo lời Bác" giới thiệu các tài liệu về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết một lòng xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại. Quy hoạch phát triển Thủ đô; thành tựu phát triển kinh tế; xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; phát triển người Hà Nội thanh lịch văn minh.

1602-1684415305.jpeg
Hơn 200 tài liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội được giới thiệu tại trưng bày. Ảnh: VGP

Tại sự kiện đã diễn ra buổi giao lưu chia sẻ đầy xúc động của các nhân chứng lịch sử và hiến tặng hiện vật. Đó là bà Lê Bích Châu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình - nhân chứng lịch sử trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, ngày 1/1/1956 tại Phủ Chủ tịch; bà Nguyễn Thị Nga - nhân chứng lịch sử trong bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội Thể thao Thủ đô, vào tháng 2/1961.

Cùng với trưng bày "Bác Hồ với thủ đô Hà Nội", Bảo tàng Hà Nội cũng trưng bày giới thiệu gần 40 tác phẩm sen thư pháp kết hợp với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu châm ngôn về cuộc sống vô cùng ý nghĩa.

Đây là những bức sen thư pháp nằm trong bộ sưu tập "Sen trong đời sống văn hoá Việt" của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - kỷ lục gia được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 17/4/2021, là người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng sen và đã được triển lãm ở nhiều nơi trong nước.

Trong không gian trưng bày "Bác Hồ với thủ đô Hà Nội" và sen thư pháp, Bảo tàng Hà Nội còn bố trí một góc thư viện để phục vụ khách tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày mở cửa đón khách từ ngày 18/5 và kéo dài đến hết năm 2023.

Diệp Anh

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/khai-mac-trung-bay-bac-ho-voi-thu-do-ha-noi-a24112.html