Hội thảo Bảo vệ Thể thao khỏi Tham nhũng và Tội phạm Kinh tế do Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức vừa kết thúc sau 2 ngày tổ chức là 15 và 16/5 tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Hơn 60 đại diện từ các cơ quan chống tham nhũng, cơ quan tư pháp hình sự, Chính phủ, tổ chức thể thao và khu vực tư nhân thuộc các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham gia Hội thảo. Sự kiện có sự hợp tác của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia, do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chủ trì, được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hỗ trợ và được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU). Đại diện Việt Nam tham dự Hội thảo có bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã tham gia trình bày, thảo luận về nhiều vấn đề như: Diễn biến trong thể thao liên quan đến tham nhũng; Áp dụng Công ước Phòng, chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc trong thể thao; Các sáng kiến về thể chế nhằm đấu tranh chống tham nhũng trong thể thao; Phát hiện và báo cáo tham nhũng trong thể thao; Giới và tham nhũng trong thể thao; Tội phạm có tổ chức và thể thao; Tham nhũng và lạm dụng trong thể thao; Tìm hiểu về thao túng trong thi đấu thể thao; Cá cược bất hợp pháp và thể thao; Các sự kiện thể thao lớn và tham nhũng.
Lĩnh vực thể thao đã trải qua những thay đổi toàn diện trong nhiều thập kỷ gần đây. Toàn cầu hóa, dòng tiền khổng lồ đổ vào cấp độ cao nhất của thể thao chuyên nghiệp, sự phát triển nhanh chóng của cá cược thể thao hợp pháp và bất hợp pháp cùng những tiến bộ công nghệ rõ rệt đã thay đổi cách thể thao được chơi và tiêu dùng. Những yếu tố này có tác động lớn đến tham nhũng trong thể thao, cả về quy mô và hình thức, cũng như vai trò của các tổ chức quốc tế, Chính phủ và các cơ quan thể thao trong việc đấu tranh chống lại hoạt động này.
Vai trò của các nhóm tội phạm có tổ chức trong nạn tham nhũng trong thể thao và sự xâm nhập của tội phạm vào các tổ chức thể thao đã tăng lên rõ rệt do những diễn biến gần đây trong thể thao. Các nhóm tội phạm đang khai thác các lỗ hổng liên quan đến những thay đổi về phát triển, những điểm yếu của các khuôn khổ pháp lý và quy định quản lý thể thao. Nhu cầu tăng cường các khuôn khổ và công cụ pháp lý và quy định đã đặt trọng tâm vào quản lý thể thao cũng như cách tiếp cận. Cùng với đó đặt ra vấn đề về xây dựng chính sách toàn diện về phòng, chống tham nhũng trong thể thao dựa trên đánh giá rủi ro tham nhũng phải đối mặt, bao gồm những rủi ro liên quan đến tổ chức các sự kiện thể thao lớn, thao túng trong thi đấu thể thao và cá cược bất hợp pháp, và cả những rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, vận động viên trẻ và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Vấn đề về giới cũng được quan tâm và nhấn mạnh trong bối cảnh các môn thể thao nữ nghiệp dư, bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp ngày càng phổ biến. Các chuẩn mực xã hội và văn hóa ngăn cản trẻ em gái và phụ nữ chơi thể thao, những thành kiến và khuôn mẫu liên quan đến năng lực của phụ nữ trong việc hoàn thành vai trò lãnh đạo cũng như việc thiếu kỹ năng và kinh nghiệm ngăn cản phụ nữ tiếp cận các vai trò ra quyết định trong thể thao đang ngày càng được thừa nhận.
Tham nhũng trong thể thao đặt ra một loạt các mối đe dọa cụ thể về giới đối với trẻ em gái và phụ nữ, đáng chú ý nhất là dưới hình thức quấy rối và lạm dụng tình dục bởi những người có thẩm quyền. Ngày càng có nhiều vụ việc được báo cáo hoặc phát hiện, và thu hút sự chú ý của chính quyền và công chúng. Tuy nhiên, bản chất và quy mô chính xác của hình thức tham nhũng này vẫn chưa được biết do những thách thức tồn tại liên quan đến việc báo cáo bạo lực trên cơ sở giới.
Bất bình đẳng về tiền lương khiến phụ nữ trong thể thao dễ bị tham nhũng ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cả liên quan đến thao túng trong thi đấu liên quan đến cá cược. Việc thiếu đại diện của phụ nữ trong các vai trò quản lý thể thao góp phần cản trở cuộc chiến chống tham nhũng trong thể thao. Tăng cường đầu tư phát triển thể thao nữ và hỗ trợ các cơ hội bình đẳng cho trẻ em gái trong thể thao, hoạt động thể chất và giáo dục thể chất, tăng cường pháp luật để ngăn chặn và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao, thúc đẩy phụ nữ giữ vai trò ra quyết định trong các tổ chức thể thao và xây dựng cơ hội cho các ứng cử viên nữ cho các vai trò quản lý được đặc biệt nhấn mạnh…
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về các rủi ro tham nhũng trong thể thao, tập trung vào nguy cơ thao túng thi đấu và tham nhũng liên quan đến việc tổ chức các sự kiện thể thao; Phát hiện và báo cáo tội phạm tham nhũng, tội phạm có tổ chức trong thể thao; Lạm dụng trong thể thao; Cá cược bất hợp pháp; Tham nhũng và tội phạm liên quan đến chuyển nhượng vận động viên…, Hội thảo đã kết thúc thành công với việc chia sẻ các ví dụ thực tiễn để giảm thiểu những rủi ro như vậy, đồng thời thúc sự đẩy hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan công lý hình sự và các tổ chức thể thao trong thời gian tới.
Phương Quyên
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/hoi-thao-bao-ve-the-thao-khoi-tham-nhung-va-toi-pham-kinh-te-mo-ra-nhieu-giai-phap-quan-trong-a24077.html