SEA Games 32: Vì sao chủ nhà Campuchia phải đưa ra những quy định mới lạ và lắt léo?

Không có gì lạ khi một quốc gia chủ nhà SEA Games đưa các môn thể thao bản địa vào chương trình thi đấu để giới thiệu với thế giới, đồng thời giảm số lượng nội dung mà họ yếu thế để tăng tổng số huy chương đạt được vào cuối kỳ Đại hội. Tuy nhiên, việc kèm theo đó là các quy định mới cùng nhiều lắt léo đang khiến giới chuyên môn e ngại khi nhìn vào những kỳ Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á trong tương lai…

bokator-1683551455.jpg
Campuchia đưa môn võ thuật Kun Bokator vào chương trình thi đấu tại SEA Games 32

Chủ nhà Campuchia, ngoài việc ra mắt trò chơi cờ Ốc địa phương - Ouk Chaktrang và Võ thuật Kun Khmer, Kun Bokator tại SEA Games 32, một số môn thể thao khác cũng đã được điều chỉnh quy định thi đấu. Ví dụ, trong môn Cầu lông, lần đầu tiên họ đưa vào tranh tài nội dung hỗn hợp chỉ dành cho các quốc gia chưa từng giành huy chương ở các kỳ SEA Games trước đây như: Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Đông Timor. Các quốc gia mạnh hơn như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines không được góp mặt. Tình huống tương tự cũng xảy ra tại môn Đua thuyền truyền thống.

Một quan chức Singapore cho biết: “Tôi cảm thấy nó làm giảm giá trị huy chương vì nhà vô địch sẽ không phải là đội chơi tốt nhất. Khi mọi người nhìn vào danh sách xuất phát, họ sẽ nhận thấy sự vắng mặt của các quốc gia mạnh của môn thể thao này. Nếu phục vụ cho mục đích phát triển và nhận thức thì điều này nên được thực hiện trong các giải vô địch riêng biệt”.

Ông Martin Andrew - Giám đốc kỹ thuật và ông Raizal Abdol Jalil - Tổng Giám đốc Liên đoàn Đua thuyền Rồng (Singapore) - chia sẻ: “Các sửa đổi cho phép các quốc gia kém hơn trong môn thể thao này có cơ hội tham gia vào sự kiện đồng đội, nếu không họ sẽ không có đủ vận động viên cho nội dung đồng đội nam hoặc nữ. Nhưng là một nhà vận động SEA Games nhiều kinh nghiệm, tôi có thể hiểu tại sao Ban Tổ chức đưa ra những thay đổi. Đó là một cách để quảng bá truyền thống của riêng họ và giành thêm huy chương”.

Một số điều chỉnh cũng được áp dụng ở môn Thể dục dụng cụ hay Bóng bàn - nơi các vận động viên không còn được phép tham gia tất cả các nội dung. Tuy nhiên, ông Gao Ning - huấn luyện viên môn Bóng bàn nam của Singapore - tỏ ra thông cảm: “Các quy tắc áp dụng cho mọi quốc gia. Chúng tôi chỉ cần chuẩn bị tốt theo quy định là ổn”.

Nhi Nguyễn

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/sea-games-32-vi-sao-chu-nha-campuchia-phai-dua-ra-nhung-quy-dinh-moi-la-va-lat-leo-a23710.html