Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đồng chủ trì buổi làm việc.
Ngành du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng
Báo cáo Đoàn khảo sát, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ngành du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Quý I.2023, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 27,7 triệu lượt, trong đó riêng tháng 3 ước đạt 7,5 triệu lượt, có khoảng 5,0 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 3 tháng đầu năm ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 triệu lượt, vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 70% so với kế hoạch. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch quốc tế đã thể hiện ý chí, nỗ lực của toàn ngành nhằm "phá băng" sau gần 2 năm đóng cửa. Tiếp đà tăng trưởng đó, trong quý I năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 2.699.556 lượt khách. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật, Malaysia, Singapore, Campuchia, Australia.
Về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trên cơ sở số liệu báo cáo của toàn bộ 63 Sở quản lý du lịch trên toàn quốc, tính đến 31.1.2022, đã có 18.243 hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ, với tổng số tiền hỗ trợ là 67.663.530.000 đồng. 38,2% hướng dẫn viên du lịch còn lại chưa nhận hỗ trợ, theo báo cáo của các địa phương và qua tìm hiểu của Tổng cục Du lịch, nguyên nhân chủ yếu do họ đã được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ khác của Nhà nước.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành, như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; giảm tiền thuê đất năm 2020, 2021; giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023…
Tuy vậy, báo cáo của Tổng cục Du lịch cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của du lịch Việt Nam. Trong đó, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư năm 2020. Tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh. Chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ, song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Từ thực tiễn hoạt động du lịch hiện nay, bên cạnh kiến nghị sửa đổi một số quy định pháp luật liên quan, để tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch đề nghị sớm ban hành Nghị quyết về: Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không qua 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.
Phát triển cân bằng giữa du lịch nội địa và quốc tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách, chỉ đạo tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đều xác định không chạy theo số lượng mà cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững, tăng chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời xác định phát triển du lịch cân bằng giữa du lịch nội địa và quốc tế.
Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các chương trình phục hồi du lịch thời gian tới, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch 2017, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch cần tập trung hoàn thiện sớm nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống du lịch trong tổng thể hệ thống quy hoạch quốc gia; đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành; đồng thời tham mưu, phối hợp để thúc đẩy hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tiếp tục đẩy mạnh triển khai đến các chương trình, đề án về chuyển đổi số, đào tạo nghề cho ngành du lịch…
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã rất nỗ lực triển khai các nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, kịp thời với tình hình phát triển nói chung của đất nước và đạt được những kết quả ấn tượng. Mặc dù chưa đạt được kết quả khách du lịch quốc tế như mục tiêu đề ra năm 2022 nhưng việc tham mưu cho Chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022 là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, thể hiện rõ vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL.
Ông Phan Viết Lượng cho rằng, đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về du lịch được ban hành nhưng có những nội dung, chính sách chưa thực hiện được. Trong đó, có những nội dung tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Luật Du lịch.... nếu được thực hiện đầy đủ sẽ giúp du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Tổng cục Du lịch sớm hoàn thiện, bổ sung các nội dung chi tiết vào các đề xuất, kiến nghị trong báo cáo để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình Quốc hội xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào kỳ họp tới vào tháng 5/2023.
Đăng Nguyên
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/khong-chay-theo-so-luong-ma-tap-trung-nang-cao-chat-luong-san-pham-du-lich-a22627.html