Đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Chiều 11/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

quangphuong-1681216035.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Quốc hội, UBTVQH không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. 

Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

UBTVQH đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận. 

Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc UBTVQH tích cực tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH tiếp tục có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn trong hoạt động giám sát. 

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được chú trọng với nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH quan tâm chỉ đạo. Hoạt động giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được quan tâm, rút kinh nghiệm, khắc phục trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 như: Việc triển khai một số chuyên đề giám sát có thời điểm có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi được đến cùng vấn đề; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá; việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác ở một số lĩnh vực mặc dù đã có quy định nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên…

Lựa chọn 4 trong 5 chuyên đề sẽ giám sát năm 2024

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.

tvqh11c-1681216040.jpg
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/4. Ảnh: TTXVN

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình UBTVQH lựa chọn 4 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, quyết định; đồng thời kính đề nghị UBTVQH lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cơ bản đồng tình với các nội dung trong báo cáo đánh giá hoạt động giám sát, báo cáo đã đánh giá được tổng thể, toàn diện, thể hiện rõ những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động triển khai thực hiện giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, hoạt động tích cực của các Tổ công tác đã góp phần nâng cao chất lượng giám sát, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các lãnh đạo Quốc hội đã giúp Đoàn giám sát đi sâu được vào những vấn đề cụ thể, tránh dàn trải. Khi báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã theo dõi sâu sát và đưa ra những ý kiến đánh giá, góp ý rất tích cực và có trách nhiệm. Về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ đồng tình với những nhận định trong báo cáo.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đồng tình cao với cách làm trong việc nhìn lại kết quả giám sát; việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo. Tham gia một số đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại. Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các phiên giải trình, phiên chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. 

Tuy nhiên cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào? Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc. 

Đồng tình về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong báo cáo tổng kết của các khoá Quốc hội trước đây đều nhận định công tác giám sát còn hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của khoá XV đã được quán triệt và thực hiện rất tích cực.

Giám sát có nhiều hình thức, công tác giám sát của Quốc hội có nhiều bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực cũng như phương thức giám sát. Những kết quả đạt được đã có trong báo cáo giám sát. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng đánh giá về những hạn chế, vướng mắc còn chưa sâu, do đó cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế.

Đối với việc chất vấn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều chọn trúng vấn đề nóng, bức xúc nổi lên được dư luận xã hội quan tâm và kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm. Công tác tổ chức chuẩn bị tiến hành chất vấn được UBTVQH chú trọng. Sau các phiên chất vấn đều có Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Một trong những dấu ấn nổi bật cho nhiệm kỳ này là việc chuẩn bị cho các phiên chất vấn rất kỹ, trước khi chất vấn có cuộc họp giữa Quốc hội, các cơ quan hữu quan với các cơ quan, qua đó thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với Tòa án, Viện Kiểm sát.

Đối với hậu giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng, do đó đề nghị quan tâm hơn nữa đến việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, Nhân dân, cử tri ghi nhận.

Báo cáo cũng cần nêu rõ Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm xây dựng thể chế và pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; lần đầu tiên UBTVQH ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, UBTVQH; việc Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã chứng minh tính đúng đắn trong thực tiễn…

V.Tôn

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/doi-moi-day-manh-cong-tac-giam-sat-de-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-cua-quoc-hoi-a22625.html