Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật (Bộ Tư pháp) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 113 điều, tăng 2 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4
Báo cáo về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, tránh các hệ lụy và tác động của việc thay đổi tên gọi, như các chi phí xã hội phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật, cũng như việc phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu và giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.
Về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW (Chương II), nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế; bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan; chính sách về đất đai đối với hợp tác xã cần bảo đảm, thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến; chính sách tín dụng đối với hợp tác xãX cần bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, rà soát và chỉnh lý các quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định, một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; làm rõ tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Về vấn đề trên, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương "nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực". Nếu quy định như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, thì việc thành lập và hoạt động của liên đoàn hợp tác xã sẽ được triển khai thực hiện trên diện rộng, không còn tính chất thí điểm theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; đồng thời, cũng chưa đủ cơ sở thực tiễn để quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Do vậy, với quan điểm những nội dung chưa đủ chín, chưa đủ rõ, vẫn còn ý kiến khác nhau thì chưa đưa vào luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này.
Về tổ chức đại diện, hệ thống liên minh hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật về vai trò, trách nhiệm của hệ thống liên minh hợp tác xã còn khá mờ nhạt. Do đó, đề nghị giữ nguyên các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với hệ thống liên minh hợp tác xã, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định tăng cường vai trò, quyền của hệ thống liên minh hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động theo đúng chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy ý kiến các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung tại Chương X quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã, giữ lại các nội dung quy định về hệ thống liên minh hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác.
Thảo luận tại phiên họp, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã giải trình đầy đủ, làm rõ nhiều vấn đề trong thực tiễn, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số vấn đề lớn của dự án Luật liên quan đến quan điểm, mục tiêu định hướng chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi luật và điều kiện để dự luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua; vấn đề về tên gọi của dự thảo luật; quy định về liên minh hợp tác xã; quỹ chung không chia; tài sản chung không chia; hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện; góp vốn mua cổ phần thành lập doanh nghiệp; tài sản hợp tác xã; kiểm toán hợp tác xã…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự án Luật, xin ý kiến hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến một số đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới, hoàn thiện báo cáo giải trình, hồ sơ dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Nguyễn Hoàng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-hop-tac-xa-sua-doi-a21615.html