Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giải tỏa áp lực, chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ trong bảo đảm bình ổn giá

Sáng 15/3, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trên cơ sở kế thừa luật hiện hành, để đảm bảo linh động hơn, đề nghị bổ sung: trường hợp trong thời gian Quốc hội không họp có thể ủy quyền cho UBTVQH xem xét quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; đồng thời có quy định để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước đưa ra các biện pháp đặc biệt trong bình ổn giá.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), với 115 lượt ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và tại hội trường. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rất nỗ lực để hoàn thiện dự thảo luật. Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc dự thảo Luật đã đảm bảo quan điểm, mục tiêu, định hướng, chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi luật và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua hay chưa. Thảo luận và cho biết quan điểm về 2 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra với Chính phủ và các cơ quan soạn thảo, gồm thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và thẩm quyền thành lập Quỹ bình ổn giá.

1503a-1678880801.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến tham gia, cụ thể là: nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá; trường hợp, biện pháp bình ổn giá, tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá, danh mục và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá; cơ sở căn cứ để hiệp thương giá; vai trò của Nhà nước; trách nhiệm và vai trò của tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá; tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai, niêm yết, tham chiếu giá và kiểm tra yếu tố hình thành giá; nguyên tắc, tiêu chuẩn, thẩm định giá; đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá; dịch vụ thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Hoàn thiện cơ chế quản lý để bảo đảm công khai, minh bạch, để hài hòa lợi ích

Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật và ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật và báo cáo thẩm tra cho thấy dự án Luật Giá lần này đã tiếp thu, chỉnh lý khá công phu, nhiều nội dung có căn cứ, lập luận, có cơ sở và có tính thuyết phục.

Góp ý về các nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thẩm quyền quyết định danh mục bình ổn giá, về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đề nghị cần bổ sung thêm chữ "biến động lớn" vào khoản 1 Điều 17, theo đó, trường hợp bình ổn giá chỉ khi có biến động lớn, có ảnh hưởng tác động lớn đến đời sống của người dân.

1505-1678880801.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc thay đổi các danh mục này tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp. Trên cơ sở kế thừa luật hiện hành về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá vẫn là Quốc hội, đồng thời, để đảm bảo linh động hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm trường hợp trong thời gian Quốc hội không họp có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ rồi báo cáo Quốc hội. Quy định thêm trường hợp vừa đảm bảo linh hoạt trong điều kiện thị trường hơn hết, đây thực chất là giải tỏa cho Chính phủ, chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ. Mặt khác, quy định theo hướng này cũng nhằm thực hiện theo Nghị quyết số 27 về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội tăng cường phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội', Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về Quỹ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để đổi tên điều này theo hướng rộng hơn là “Các biện pháp về bình ổn giá”. Lý giải cho đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đầu tiên là phải theo quy luật thị trường, hai là phải có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Thực tế có những tình huống bất ngờ, đặc biệt như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn thì nhà nước có thể đưa ra những quyết định rất đặc biệt. Có quyết định của Quốc hội, có quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Do đó, nên mở rộng điều này, đồng thời nghiên cứu để bảo đảm tương thích với Luật Phòng thủ dân sự hiện nay và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa để có quy định rộng hơn. Những biện pháp cụ thể, sau này Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng cơ quan sẽ thực hiện.

1506-1678880801.jpg
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong các biện pháp bình ổn giá thì Quỹ bình ổn giá chỉ là một giải pháp. Hiện nay dự thảo mới chỉ quy định về một công cụ là Quỹ bình ổn giá cần. Do đó, đề nghị nghiên cứu thêm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Tình trạng khẩn cấp, các luật trong phòng, chống thiên tai, địch họa để có một quy định mở, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những biện pháp đặc biệt trong việc bình ổn giá. Đối với Quỹ bình ổn giá cần hoàn thiện cơ chế quản lý để bảo đảm công khai, minh bạch, để hài hòa lợi ích.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, hiệu quả, bao quát

Về một số nội dung lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định về nguyên tắc định giá tại Điều 22 dự thảo Luật cần phân địch 2 khoản. Trong đó, đối với hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tại Điều 21 quy định phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí, chi phí này là hợp lý, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác mà không quy định tại Điều 21 thì các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí có lãi và đảm bảo quy luật cung cầu cạnh tranh của thị trường.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ việc bảo đảm theo chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội như chính sách an sinh xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Đối với cá nhân, tổ chức trên nền kinh tế thị trường lại bắt tham gia trách nhiệm của Nhà nước sẽ không hợp lý.

1507-1678880801.jpg

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể quy định giao cho Chính phủ hoặc các Bộ ban hành nghị định, thông tư để quy định chi tiết việc định giá như giao Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá hàng hóa dịch vụ như điện, đất đai, dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm ghi âm, ghi hình và hàng hóa dịch vụ mà luật khác có quy định về phương pháp định giá riêng. Quy định theo hướng này để bảo đảm đầy đủ và bao quát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về kê khai niêm yết tham chiếu giá và kiểm tra các yếu tố hình thành giá, xuất phát từ thực tiễn điều hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong lần sửa đổi này cần có thêm quy định ràng buộc trách nhiệm kê khai giá. Theo đó, chủ thể kê khai phải tự chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của thông tin đã kê khai theo quy định pháp luật. Cơ quan nhà nước ví dụ như Bộ Tài chính, các cơ quan Sở Tài chính, các ngành, các cơ quan khác có quyền cập nhật thông tin kê khai và quyền hậu kiểm, kiểm tra.

Về niêm yết giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm để bảo đảm phù hợp và có tính khả thi. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nên chăng quy định này chỉ áp dụng đối với những tài sản hàng hóa có giá trị lớn và mức biến động không cao.

1508-1678880801.jpg

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phân định rõ quy định về giá tham chiếu. Một là giá tham chiếu được cơ quan có thẩm quyền công bố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách (tức sử dụng kinh phí công) để quyết định mua sắm và làm căn cứ quy định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá và quyết định giá. Đó là giá tham chiếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và các cơ quan này sử dụng. Hai là giá tham chiếu của các cơ quan có thẩm quyền công bố nhưng để tổ chức, cá nhân tham khảo trong quá trình xây dựng phương án giá, tự quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc tách các đối tượng sử dụng giá tham chiếu là cơ quan nhà nước sử dụng nguồn ngân sách và các đối tượng còn lại thì sẽ khả thi hơn.

Về hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 7, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ e ngại đối với quy định là lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Bởi khái niệm "bất hợp lý" là không có định lượng, hoàn toàn là định tính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với điều cấm cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn để có tính khả thi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những gì đích đáng thì cấm. Thực tế ranh giới giữa đầu tư với đầu cơ là rất mỏng manh, nên cần được nghiên cứu kỹ thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung khá chặt chẽ về thẩm định giá, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát lại tính phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang có hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các nội dung về đăng ký hành nghề thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá và người thẩm định giá; đề nghị ghiên cứu kỹ các quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo đảm phù hợp và khả thi.

Bảo Yến

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-giai-toa-ap-luc-chia-se-trach-nhiem-voi-chinh-phu-trong-bao-dam-binh-on-gia-a21564.html