Nhiều vấn đề văn hoá mới đặt ra
Phó Thủ tướng nêu rõ: Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (tháng 11/2021) đã tổng kết, đánh giá về lý luận, thực tiễn cũng như con đường phát triển của văn hoá cùng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đặt ra nhiều vấn đề mới như: Văn hoá trong xã hội số, văn hoá môi trường, văn hoá trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, văn hoá là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức, tư tưởng…
Vì vậy, việc xây dựng Chương trình tổng thể là cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 6/9/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu "Xây dựng, gìn giữ, chấn hương và phát triển nền văn hoá của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình tổng thể là chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển văn hóa ở Trung ương và địa phương tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.
Chương trình tổng thể đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn. Đó là nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam
Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, giáo dục đạo đức, lối sống.
Bảo tồn, tôn tạo, phát huy bền vững di sản văn hóa vật thể và vật thể truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, không gian văn hoá sáng tạo. Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng.
Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giải quyết nút thắt chính và mở đường, tạo ra đột phá
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá góp ý về trọng tâm, ưu tiên đầu tư cho văn hoá; mức độ cụ thể hoá các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài, trong suốt cả thời kỳ…
GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội) cho rằng chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá đã đầy đủ, toàn diện. Nhiệm vụ chính của Chương trình tổng thể là phải đưa những chủ trương, đường lối này vào cuộc sống, và phải triển khai thật nhanh, vừa làm, vừa điều chỉnh, nếu không sẽ mất thời cơ.
"Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình tổng thể cần được làm rõ hơn, giải quyết nút thắt chính và mở đường, tạo ra đột phá, chuyển biến lớn trong phát triển văn hoá là đặt văn hoá, xã hội ngang hàng với kinh tế, được thể chế hoá khi xây dựng các quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bố trí nguồn lực phát triển tương xứng cho lĩnh vực văn hoá", GS.TS. Phạm Hồng Tung bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực của Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội cho rằng Chương trình tổng thể phải được xây dựng căn cứ trên Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, tập trung vào những vấn đề căn bản, dài hạn về văn hoá.
Đi vào một số nội dung cụ thể, GS.TS. Từ Thị Loan, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, đề nghị Chương trình tổng thể có thêm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hoá.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Trâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nhận thức về văn hoá của toàn xã hội phải tương đồng ở mức độ nhất định mới có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chương trình tổng thể.
GS.TS. Phạm Hồng Tung kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo như là "lối đi đột phá", đưa văn hoá thực sự trở thành xung lực, nguồn lực phục vụ phát triển đất nước;…
"Phải có chính sách, cơ chế riêng để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện nay thì mới có thể thực hiện được mục tiêu có được các sản phẩm văn hoá, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật mà Chương trình tổng thể đặt ra", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đóng góp.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chương trình tổng thể cần có thêm các giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy giá trị thiết chế, môi trường văn hoá truyền thống hiện nay; xây dựng hành trang văn hoá để hội nhập cho người dân, nhất là thế hệ trẻ; phát triển không gian sáng tạo cho công nghiệp văn hoá; tăng cường hoạt động đào tạo cho các ngành nghệ thuật, đầu tư nghiên cứu cơ bản về văn hoá; xây dựng các nhịp cầu quảng bá văn hoá Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại…
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá, văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình tổng thể cần chú trọng, quan tâm đến hệ giá trị con người Việt Nam, xây dựng văn hoá trong xã hội số, văn hoá ứng xử, đào tạo đội ngũ chiến lược về sáng tác, quản lý văn hoá nước nhà…
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã trao đổi về nguồn lực, kinh phí ngân sách dành cho các chương trình, kế hoạch, chiến lược trong lĩnh vực văn hoá.
Chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn của không chỉ của các chuyên gia tại cuộc họp mà cả các văn nghệ sĩ, trí thức về nội dung Chương trình tổng thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Ghi nhận nỗ lực của Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị nội dung Chương trình tổng thể trong suốt 1 năm qua; đồng thời xem xét, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hoá phát triển cân đối, hài hoà với chính trị, kinh tế, xã hội.
Cho biết Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo vấn đề phát triển văn hoá, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT&DL khẩn trương tiến hành rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện, những vấn đề cấp bách, những nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (tháng 11/2021), để đưa vào Chương trình tổng thể, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể cho đến năm 2025; phải là một phần của Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030.
"Quan trọng nhất là phải thể chế hoá các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hoá, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới", Phó Thủ tướng nói.
Qua các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng phát triển văn hoá phải gắn với con người, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hoá vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hoá trong từng cộng đồng, làng xã; thúc đẩy yếu tố văn hoá trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo… đồng thời, định hướng phát triển công nghiệp văn hoá cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận trên tinh thần "văn hoá hoá kinh tế, kinh tế hoá văn hoá".
Nhấn mạnh xây dựng văn hoá trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hoá các di tích, di sản văn hoá, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.
Nhắc lại câu nói "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi" của Bác Hồ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nghiên cứu cơ bản về văn hoá phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hoá trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội; trả lời câu hỏi về vai trò của văn hoá như thế nào để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng…
Minh Khôi
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/tap-trung-thao-go-nhung-diem-nghen-phat-trien-van-hoa-nghe-thuat-a20710.html