Hồi đầu tháng 2, Ban Tổ chức SEA Games 32 đã thông qua Điều lệ các môn thi đấu tại SEA Games 32, trong đó có quy định cho phép các đội bóng tham dự được tăng cường thêm 2 cầu thủ trên 22 tuổi, ít hơn thông lệ lâu nay vẫn áp dụng ở sân chơi SEA Games theo công thức U23 hoặc U22+3. Để chuẩn bị cho SEA Games 32, một số đội tuyển U22 trong khu vực đã sớm được tập trung như Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar... với thành phần tham dự theo quy định trước đó. Chính vì vậy, việc nước chủ nhà Campuchia giờ chót thay đổi, không cho phép các cầu thủ sinh trước ngày 1/1/2001 tham dự SEA Games 32 đã gây khó cho các đội bóng tham dự.
Đội tuyển U22 Campuchia do huấn luyện viên người Nhật Bản - Keisuke Honda - dẫn dắt được đầu tư trọng điểm và có sự chuẩn bị rất kỹ với hy vọng có thể cạnh tranh huy chương khi SEA Games 32 được tổ chức trên sân nhà. Thậm chí, Liên đoàn Bóng đá Campuchia còn quyết định gia hạn để kéo dài hợp đồng và đồng ý để Keisuke Honda từ chức huấn luyện viên đội tuyển, tập trung dẫn dắt U22 Campuchia tại SEA Games 32. Nhưng có vẻ như, chủ nhà vẫn chưa đủ tự tin để có thể cạnhh tranh sòng phẳng với các đội bóng hàng đầu khu vực nên đã quyết định sửa Điều lệ, gây thêm khó khăn cho các đối thủ.
Ở sân chơi SEA Games, dù quy định giới hạn độ tuổi các cầu thủ tham dự có từ năm 2001, nhưng vẫn thường cho phép các cầu thủ lớn tuổi tham dự theo công thức 23+3 để tạo cơ hội cho những "ngôi sao" hàng đầu khu vực thi đấu bên cạnh những tài năng trẻ. Tùy theo từng kỳ Đại hội, công thức này có thể điều chỉnh thành U22+3 hoặc +2 để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế, nhưng chưa từng cấm cửa hoàn toàn như tại SEA Games 32.
Thực tế, ở môn Bóng đá nam, chủ nhà Campuchia rất khó có cửa để cạnh tranh với các đội tốp trên. Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… quá mạnh, ngay cả Myanmar, Philippines, Singapore cũng được xếp ở cửa trên so với Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste. Thành tích tốt nhất ở môn bóng đá nam của Campuchia là lọt vào bán kết tại SEA Games 30 tại Philippines và để thua 0-4 trước U22 Việt Nam. Dù có lợi thế thi đấu trên sân nhà tại SEA Games 32, nhưng cơ hội để có thể cạnh tranh huy chương của các cầu thủ trẻ dược dự báo rất khó khăn.
Thay đổi quy định, không cho phép các đội bổ sung cầu thủ quá 22 tuổi chắc chắn gây khó khăn cho các đội và tạo ra chút lợi thế cho chủ nhà Campuchia, nhưng có lẽ là chưa đủ để thầy trò huấn luyện viên Keisuke Honda chen chân lên bục nhận huy chương. Tuy nhiên, thiệt thòi nhất vẫn là những người hâm mộ khi không còn được chứng kiến những "ngôi sao" hàng đầu Đông Nam Á phô diễn tài năng ở SEA Games 32. Lẽ đương nhiên, tư duy “ao làng” vốn đã tồn tại quá lâu ở sân chơi khu vực chẳng đem lại lợi ích gì cho bóng đá, thậm chí còn khiến “bệnh thànhh tích” càng thêm trầm trọng.
Đan Phượng
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/bong-da-sea-games-32-tu-duy-ao-lang-gay-kho-cho-cac-doi-a20512.html