Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan liên quan thuộc Bộ VHTTDL.
Báo cáo Bộ trưởng về tiến độ thực hiện chương trình Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và chương trình nghệ thuật diễn ra tối 28/2, NSND Trần Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam cho biết: Chương trình có chủ đề "Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử", do Thứ Tạ Quang Đông chỉ đạo nội dung, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo thực hiện. Dự kiến, chương trình nghệ thuật đặc biệt dài hơn 70 phút, gồm 3 chương. Chương I mang tên "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" với các tác phẩm: Liên khúc "Ngọn đuốc soi đường"; "Lá cờ đảng" và "Đoàn lữ nhạc". Chương II có tựa đề "Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa" với một số ca khúc đã đi cùng nhiều thế hệ người Việt Nam như "Biết ơn cụ Hồ Chí Minh", "Người Hà Nội", "Trường ca sông Lô", liên khúc "Hò kéo pháo", "Giải phóng Điện Biên"... Chương III là "Văn hóa còn thì dân tộc còn", với phần trình diễn các tiết mục như liên khúc "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam", "Bay qua biển Đông", liên khúc "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Việt Nam ơi, ta bước tiếp"...
Đây là một chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa rất đặc biệt. Vẫn là những giai điệu quen thuộc với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng nhưng thông qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp, ý nghĩa mà các văn nghệ sỹ, ê kíp làm chương trình gửi gắm. Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" quy tụ nhiều gương mặt nghệ sỹ tham gia trình diễn như: Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng; các ca sỹ Trọng Tấn, Tùng Dương, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An (Giải Nhất dòng dân gian cuộc thi Sao Mai), Thanh Thanh (Giải Nhì dòng dân gian cuộc thi Sao Mai), Võ Hạ Trâm, Thu Hằng, Huệ Thương, Phương Mai, Trung Sỹ, Phúc Đại, Lan Thu, Nhóm Phương Nam, Nhóm Thời Gian và Vũ đoàn Mây...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây không chỉ là chương trình nghệ thuật mà là chương trình chính trị văn hóa. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu, ê kíp thực hiện cần bám sát nội dung của Đề cương về Văn hóa Việt Nam để thể hiện những giá trị lịch sử của Đề cương bằng những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật. "Đảng ta đã vận dụng Đề cương qua các thời kỳ như thế nào để xây dựng, hoàn thiện chính sách về văn hóa, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự là nội lực, là sức mạnh để xây dựng, phát triển đất nước"- Bộ trưởng nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu, ê kíp thực hiện cần đổi mới cách làm, thể hiện được những vấn đề có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn phải mới lạ, hấp dẫn...
Báo cáo Bộ trưởng về Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Cội nguồn và động lực phát triển", bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Hội thảo sẽ có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu tham dự trực tiếp gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo, Bộ VHTTDL, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các văn nghệ sĩ… Bên cạnh đó, hội thảo có sự tham gia của các đại biểu tại 63 điểm cầu trên 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hội thảo được chia thành 2 phiên với các nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ngoài ra là phiên thảo luận bàn tròn.
Với 60 tham luận, hội thảo sẽ đề cập đến hai nội dung gồm: (1) Nhìn lại và khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam (Nhận diện và làm rõ các giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Phân tích quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử) và (2): Dân tộc, đại chúng, khoa học- động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững (Phân tích và làm rõ các yêu cầu phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong bối cảnh hiện nay; Phân tích và đánh giá khả năng vận dụng các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của Đề cương vào thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững; Đề xuất các giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằm tạo động lực, phát huy giá trị của Đề cương vì mục tiêu phát triển văn hóa theo hướng bền vững). Cho đến nay, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đã đặt hàng hoàn thành các tham luận phục vụ Hội thảo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, căn cứ Kế hoạch đã ban hành, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ tổ chức Hội thảo. "Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các nội dung, trọng tâm là các tham luận của các diễn giả, nhà khoa học, các nhà quản lý… Đặc biệt phải chú trọng chất lượng các tham luận để sản phẩm sau hội thảo có giá trị phục vụ nghiên cứu, mang tính khả thi"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.
Bộ trưởng lưu ý, đối với các hoạt động khác như phim tài liệu, tuần phim, triển lãm ảnh. các đơn vị chủ trì thực hiện cần nhanh chóng hoàn thiện với chất lượng và hiệu quả cao nhất. "Các đơn vị cần tập trung, chủ động triển khai các nhiệm vụ, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc đến lãnh đạo Bộ để tháo gỡ, triển khai các hoạt động đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp các đơn vị báo chí trong và ngoài Bộ, cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động kỷ niệm nhằm lan tỏa giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng như ý nghĩa, giá trị của các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương.
Hà An