Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, đại diện cơ quan nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ hội truyền thống Thái bình xướng ca cho biết: Theo các nguồn tài liệu, từ thời Đinh - Tiền Lê đến thời Trần, làng Gạo trước đây (nay là thôn Quả Linh) là nơi có kho lương, đình đụn để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực cho triều đình, góp phần quan trọng để vua tôi nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Đặc biệt, sau chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng năm 1288, vua Trần ban thưởng cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, mừng đất nước thái bình.
Lễ hội Thái bình xướng ca gắn liền với không gian văn hóa thời Trần, chứa đựng các giá trị lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của nhân dân làng Gạo trong ba lần cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Trong lễ hội có nhiều nghi lễ đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử thời Trần như: Dựng đình đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, hát trống quân, tam cúc, tổ tôm điếm… tái hiện các hoạt động của nhân dân làng Gạo góp công, góp sức vận chuyển lương thực cho quân dân nhà Trần. Các trò chơi trong lễ hội đều được tổ chức trên sông nước, là biểu tượng, tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược…
Lễ hội truyền thống Thái bình xướng ca được cộng đồng nhân dân địa phương duy trì, bảo tồn, phát triển. Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào ngày 9-11/3 âm lịch các năm: Dần, Thân, Tỵ, Hợi, có ý nghĩa giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/le-hoi-thai-binh-xuong-ca-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a19971.html