Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 2/2023

Từ tháng 2/2023, một số chính sách mới, trong đó có các chính sách về việc làm, tài chính có hiệu lực.

Quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân

1222-1675001645.jpg
Ảnh minh họa: TTXVN

Nghị định số 103/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/12/2022, có hiệu lực từ 1/2/2023 quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghị định này quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, người học, quản lý đối với trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (trường đào tạo, bồi dưỡng).

Nghị định quy định trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật, cụ thể:

Trường của cơ quan nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường của tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.

Nghị định nêu rõ cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm: Hiệu trưởng, giám đốc (hiệu trưởng); phó hiệu trưởng, phó giám đốc (phó hiệu trưởng); Hội đồng trường, hội đồng học viện (hội đồng trường) thực hiện theo quy định tại Nghị định và của pháp luật có liên quan; Hội đồng khoa học và đào tạo; Khoa, phòng chức năng; đơn vị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; các đơn vị, tổ chức khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đào tạo, bồi dưỡng.

Các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập

1223-1675001645.jpeg
Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 22/2/2023.

Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm:

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm: Lái xe, bảo vệ; Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; Lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung được quy định trong Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dung chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí

1224-1675001644.jpg
 Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau: Hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm: Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định;

Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện;

Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa;

Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.

Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến

1225-1675001644.jpg
Công an Quận Hai Bà Trưng làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tư số 75/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 5/2/2023. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

1226-1675001645.jpg
Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm:

Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.

TTXVN

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nhung-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-22023-a19728.html