Sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế

Việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian góp phần lưu giữ, duy trì, làm cho kho tàng văn hóa của đất nước được ngấm sâu vào tâm hồn trí tuệ mỗi con người.

giatrivanhoa-1674530992.jpg
Lạng Sơn gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Ảnh: TTXVN

Phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian được bắt đầu từ khi nó được sinh ra, đó là các lễ hội dân gian ở khắp mọi miền đất nước. Trong quá khứ các lễ hội nhằm giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lịch sử... trong bối cảnh hiện đại, những giá trị đó vẫn còn nguyên vẹn.

Bên cạnh đó, một giá trị to lớn của lễ hội dân gian còn thể hiện ở sự đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Điều này có thể thấy rất rõ trong việc thờ cúng Hùng Vương vị Quốc tổ của dân tộc. Đó là biểu tượng tập hợp đại đoàn kết dân tộc cao nhất thông qua một hiện tượng văn hóa dân gian.

Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian đã là công việc có từ xa xưa được cha ông ta rất quan tâm. Điển hình là tài liệu quý giá như “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên (1329), “Lĩnh Nam Chích quái” (1501) do Vũ Quỳnh, Kiều Phú thực hiện hay bộ sách về thuốc nam của Việt Nam “Nam dược thần hiệu” thế kỷ XIV, do Tuệ Tĩnh ghi chép còn lưu lại đến ngày nay.  Trong suốt chiều dài lịch sử đó là những tài liệu được sưu tầm, bảo tồn cho biết bao nhiêu thế hệ và là những tư liệu giúp cho biết bao công trình nghiên cứu sau này.

Cũng theo GS.TS. Lê Hồng Lý, công việc sưu tầm, gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc được duy trì bền vững trong lịch sử nước nhà, dù lúc này, lúc khác có bị đình trệ hay chưa được quan tâm do những lý do bất khả kháng nào đó, song sự nghiệp này luôn được đánh giá cao cho đến ngày hôm nay. 

Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt sau khi đất nước thống nhất, công việc sưu tầm, bảo tồn được tiếp tục một cách bài bản hơn bằng các cơ quan nghiên cứu chuyên nghiệp, với những người làm nghiên cứu chuyên sâu của nhiều ngành khác nhau. Gần đây có thể kể tới dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, nhằm bảo tồn và phát huy đầy đủ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện. 

Bên cạnh đó, việc ghi danh của UNESCO đối với 14 di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan, Quan họ… cũng góp phần bảo tồn giá trị văn hóa.

Mỗi di sản khi làm hồ sơ để được ghi danh đều có các cuộc tổng kiểm kê, sưu tầm một cách bài bản, hệ thống, đây cũng là dịp để công việc sưu tầm được thực hiện một lần nữa. Do đó đã có không ít phát hiện, bổ sung cho các đợt sưu tầm trước đây, đó là những công việc rất đáng quý và đem lại hiệu quả ở các địa phương.

Ngoài việc lưu giữ thì những nguồn tư liệu sưu tầm được còn góp phần quảng bá vốn văn hóa - văn nghệ dân gian độc đáo của các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế, đây vừa là bảo tồn vừa là phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

GS.TS. Lê Hồng Lý cho rằng, các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian đóng vai trò không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch quốc tế. Chỉ nói riêng về ẩm thực cho thấy: Phở, bún chả, chả cá, nem, bánh mì... Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới, được đưa vào mục từ của các từ điển lớn như Oxford của Anh và những nước khác.

Việc phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian hiện nay còn phải kể đến trong văn học, nghệ thuật. Có những tác phẩm tìm tòi sáng tạo nhằm khai thác và phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian vào âm nhạc hiện đại để phục vụ khán giả, nhưng đồng thời cũng là một cách để bảo tồn các giá trị truyền thống của cha ông.

Trong nghệ thuật biểu diễn bên cạnh múa rối nước gần như đặc sản về văn nghệ dân gian, thì những thử nghiệm sân khấu gần đây trong các vở diễn trên sân khấu và đặc biệt là thực cảnh “Ký ức Hội An” của Quảng Nam và “Tinh hoa Bắc Bộ” của Hà Nội cho thấy những thành công, gợi mở con đường đi tới của nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong bối cảnh đương đại.

Phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian trong phát triển kinh tế ngày càng cho thấy là một tiềm năng to lớn của văn hóa Việt Nam. Thể hiện rõ nhất trong hoạt động du lịch với việc thu hút du khách bằng danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, nếp sống, ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn dân gian…

Đi theo đó là các sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương, quà tặng… có thể coi là một mũi nhọn của công nghiệp văn hóa, một ngành mà cả nước đang hướng tới. Nó không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân ở các địa phương, quảng bá hình ảnh, mà điều quan trọng còn là tạo công ăn việc làm cho họ để giúp họ sinh sống trên chính quê hương mình, giúp cho việc “ly nông, bất ly hương”.

Hơn nữa là để họ có điều kiện giữ gìn các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian mà cha ông họ để lại trên chính mảnh đất của họ. Đây cũng là lúc các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian có cơ hội được phát huy một cách mạnh mẽ và nó thực sự đang là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong 10 năm (2008 - 2017), dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” đã xuất bản 2.500 công trình - tác phẩm, chọn lọc trong tổng số gần 4.000 công trình sưu tầm nghiên cứu, là thành quả lao động miệt mài của hơn 1.000 hội viên trong suốt 30 năm. 2.500 công trình đã được in trong 1.619 đầu sách với 1.352.020 trang khổ 14,5 x 20,5cm. Mỗi đầu sách in và phát hành 2.000 bản, gửi đến 2.000 địa chỉ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Số công trình này được in trong 1.619 đầu sách bằng tiếng Việt, các tác phẩm của các dân tộc thiểu số thì được in thêm 2 hoặc 3 bản bằng ngôn ngữ các dân tộc.

V.T

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/suu-tam-bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-van-nghe-dan-gian-gop-phan-quang-ba-van-hoa-viet-nam-voi-ban-be-quoc-te-a19608.html