Tham dự Hội nghị có cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM; lãnh đạo Sở Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Du lịch; Hiệp hội Du lịch TP.HCM; đại diện UBND TP. Thủ Đức, các quận huyện; đại diện Ban chỉ đạo phát triển du lịch Thành phố; đại diện các sở ngành; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các điểm mua sắm, ăn uống; các cơ sở đào tạo du lịch; các hãng hàng không; các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội nghị là dịp để nhìn lại sự phát triển của ngành du lịch thành phố trong năm 2022 và đề ra các phương hướng, giải pháp hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển trong năm 2023.
Năm 2022 là một năm đầy thử thách đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi sau gần ba năm đại dịch. Ngành du lịch Thành phố đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: Khách quốc tế đạt gần 3,5 triệu lượt, đạt 99% kế hoạch năm 2022; khách nội địa đạt hơn 31 triệu lượt, tăng 24,9% so với kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt hơn 131 nghìn tỷ đồng, tăng 45,7% so với kế hoạch năm 2022.
Thành phố liên tiếp nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như Điểm đến kinh doanh du lịch hàng đầu Châu Á, Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á, Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á do Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn; lọt top 15 thành phố được tìm kiếm nhiều nhất thế giới trong mùa lễ hội cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do trang du lịch trực tuyến Booking.com công bố...
Để đạt được những kết quả đó, du lịch Thành phố đã chủ động thích ứng, linh hoạt, sáng tạo với Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn; phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới với tiêu chí “Mỗi quận huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố; tổ chức nhiều sự kiện du lịch như Lễ hội Tết Việt Nam 2022, Lễ hội Áo dài, Ngày hội du lịch TP.HCM, Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE 2022), Tuần lễ Du lịch TP.HCM… đã thu hút được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch Thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận và đưa ra nhiều góp ý, giải pháp để phát triển du lịch Thành phố trong thời gian tới như tham luận “Sản phẩm du lịch và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch ở TP.HCM”; tham luận "Liên kết và nâng chất các sản phẩm du lịch đặc trưng quận/huyện góp phần phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM”; tham luận “Giải pháp đổi mới sản phẩm du lịch tại điểm tham quan; tham luận “Mục tiêu và giải pháp thu hút khách du lịch MICE đến TP.HCM năm 2023"…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tán thành với báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM và những ý kiến đóng góp trong tham luận của các đại biểu tại hội nghị. Đây là những nội dung quý báu sẽ được lồng ghép vào các cơ chế chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước để giúp ngành du lịch sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng chia sẻ, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện chủ trương khôi phục lại các hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được ưu tiên hàng đầu. Nhờ sự quyết liệt, đồng lòng, chung tay và hết sức chủ động, sáng tạo của Trung ương và các địa phương, của các bộ ngành, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng: phục vụ trên 101 triệu khách du lịch nội địa, vượt 68% so với kế hoạch, tổng thu đạt 495 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với kế hoạch, đón được 3,5 triệu khách quốc tế, đạt 70% kế hoạch 2022.
TP.HCM là một trong những trung tâm du lịch lớn, hàng đầu của Việt Nam. Thành phố đã bị những ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt trong đại dịch COVID-19, trong đó có du lịch. Từ khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoạt động du lịch, ngành du lịch thành phố đã rất chủ động, sáng tạo, triển khai cũng như đề xuất với Bộ, với UBND Thành phố các giải pháp để khôi phục lại các hoạt động du lịch như ban hành kế hoạch mở cửa lại du lịch thành phố, ban hành chiến lược phát triển ngành du lịch đến năm 2030, tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm du lịch cũ, đã tập trung xúc tiến truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch trong và ngoài nước, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; rất chủ động trong các sự kiện du lịch xứng tầm là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước như Ngày hội Du lịch thành phố, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP.HCM, Tuần lễ Du lịch TP.HCM năm 2022.
Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao sự liên kết giữa ngành du lịch Thành phố với các cơ sở đào tạo để đào tạo, đào tạo lại nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành sau đại dịch.
Trước và sau đại dịch, Thành phố cũng đã rất chủ động triển khai hiệu quả các thỏa thuận, các chương trình liên kết giữa Thành phố với Hà Nội và các khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước.
Tổng cục trưởng biểu dương và chúc mừng những kết quả đã đạt được của ngành du lịch Thành phố trong năm 2022 từ việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra cũng như đạt được các giải thưởng du lịch danh giá, đạt doanh thu kỷ lục trong 3 ngày đầu năm 2023.
Bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, Tổng cục trưởng nhận định Thành phố đã đưa ra những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng khả thi, đó là đón 5 triệu khách quốc tế, phục vụ 35 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch là 160 ngàn tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Tổng cục trưởng đề nghị Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất các giải pháp với lãnh đạo Thành phố để phát triển du lịch Thành phố xứng tầm. Ngành du lịch cần có nhiều sản phẩm du lịch phong phú hơn nữa, đạt chất lượng cao, đẳng cấp, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước dựa trên những lợi thế của thành phố như du lịch MICE, du lịch giải trí, mua sắm, du lịch đêm...
Triển khai có hiệu quả, thực chất các thỏa thuận hợp tác du lịch đã đạt được giữa Thành phố và các địa phương, có cơ chế để duy trì các thỏa thuận hợp tác và đảm bảo lợi ích của các bên. Đồng thời, rà soát lại các chủ trương chính sách để phát hiện điểm nghẽn, đề xuất kiến nghị với các cấp có thẩm quyền các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhân lực để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới. Sáng tạo, chủ động thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch; thu hút các nguồn lực cho phát triển du lịch.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa bày tỏ sự cảm kích, biết ơn sự quan tâm, sát cánh, động viên của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo UBND Thành phố; các ban ngành đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng du lịch…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, trong năm 2023, ngành du lịch Thành phố sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước; đào tạo, nâng cấp chất lượng nhân lực ngành du lịch; xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn.
Kỳ vọng triển khai và hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra sẽ mang lại những bước phát triển đột phá cho ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, xứng đáng là đầu tàu du lịch của cả nước.
TITC