Mục tiêu chung của Đề án nhằm ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 bao gồm: Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thành Cổng thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch. Hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism).
Xây dựng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch, trước mắt, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi khách du lịch sau đại dịch COVID-19. Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hình thành Trung tâm điều hành du lịch và đi vào vận hành thử nghiệm, kết nối thí điểm với một số địa phương phát triển du lịch thông minh. Ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Giang, Quảng Trị, An Giang và Kiên Giang.
Định hướng đến năm 2030, phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Mở rộng phát triển du lịch thông minh ở hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh trên toàn quốc. Du lịch Việt Nam khai thác hiệu quả các giá trị kinh tế từ phát triển du lịch thông minh và có đóng góp lớn trong tỷ trọng GDP.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh, cần xây dựng chính sách, cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trong nước đầu tư phát triển các ứng dụng cho du lịch thông minh.
Về phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch, cần phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông từ trung ương đến các địa phương; chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý. Phát triển dữ liệu số phục vụ cho các hoạt động du lịch trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) phục vụ công tác quản lý ngành và nhu cầu tra cứu của người dùng, nâng cao khả năng tương tác trên môi trường số giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và người dân.
Về phát triển các ứng dụng, sẽ ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển các dịch vụ, ứng dụng với các phân hệ chức năng cụ thể nhằm mục đích khai thác các thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch đáp ứng mục đích của nhiều chủ thể sử dụng trong hệ sinh thái du lịch thông minh như: hỗ trợ khách du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp thông minh.
Về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cần phát triển hạ tầng công nghệ an toàn và kết nối internet tốc độ cao. Đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, hiện đại; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị đảm bảo cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành du lịch giữa các cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Về nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức mới một cách toàn diện, đồng bộ về công nghệ số và đổi mới sáng tạo nhằm trang bị những năng lực phù hợp cho nguồn nhân lực, mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người hưởng lợi từ ứng dụng công nghệ. Xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phù hợp cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh.
Về hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Tham gia các diễn đàn quốc tế về phát triển du lịch thông minh để kịp thời nắm bắt các xu hướng mới của thế giới trong việc đánh giá, phát triển du lịch thông minh.
Về tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động du lịch về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, về vai trò và lợi ích của phát triển du lịch thông minh. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu về phát triển du lịch thông minh. Tuyên truyền nhằm thu hút sự tham gia tích cực của toàn ngành du lịch trong phát triển du lịch thông minh.
Thủy Bích