Ông Datuk Seri Ahmad Faizal Azumu - Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao - cho biết, mục tiêu 146 huy chương được đặt ra dựa trên thành tích hiện tại của 584 vận động viên quốc gia tham dự Đại hội hai năm một lần và sau khi thảo luận với tất cả các bên liên quan. Trong đó, nhảy cầu và điền kinh được kỳ vọng là mỏ vàng cho đội tuyển tại Hà Nội, với mỗi môn thể thao được giao đóng góp hơn 5 huy chương vàng.
“Dựa trên thành tích hiện tại, chúng tôi cũng có thể đạt được vàng thông qua Taekwondo, Wushu, bi sắt, Pencak silat, thể hình và một số môn thể thao khác. Hơn 58% vận động viên thi đấu lần đầu tiên tại một kỳ SEA Games. Chúng tôi hiểu, họ cần được tiếp xúc ở cấp độ quốc tế để thử thách bản thân và tranh chấp huy chương. Chúng tôi có một chương trình nghị sự lớn hơn để lấy đà này tới Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung, Đại hội Thể thao châu Á và Thế vận hội sau này, nơi chúng tôi đang chờ đợi chiếc huy chương vàng (Olympic) đầu tiên”, Ahmad Faizal nói. Ông cũng thừa nhận, với mục tiêu 36 vàng, đội tuyển quốc gia sẽ không thể cạnh tranh vị trí thứ ba chung cuộc tại SEA Games năm nay.
Thành tích tốt nhất của Malaysia trong lịch sử SEA Games là giành 145 huy chương vàng, 92 huy chương bạc, 86 huy chương đồng và trở thành nước đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 29 tại Kuala Lumpur năm 2017. Hai năm sau đó, ở Philippines, đoàn thể thao Malaysia về nước với 55 huy chương vàng, 58 huy chương bạc và 71 huy chương đồng. Số huy chương năm nay được đặt ra ít hơn bởi giải năm nay không có nhiều môn thế mạnh của Malaysia như bóng quần, bóng ném cỏ, trượt băng, breakdance, cưỡi ngựa, khúc côn cầu, bóng bầu dục…
“Những hạn chế do đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều giải đấu trên toàn thế giới bị hoãn hoặc hủy bỏ và điều đó khiến chúng tôi không thể đặt mục tiêu quá cao. 36 vàng được coi là một con số thực tế”, Ahmad Faizal giải thích.
Minh Tuấn
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/malaysia-se-san-36-huy-chuong-vang-a1838.html