Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tham luận, làm rõ những vấn đề về vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) Hồ Xuân Hương; vấn đề thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại; đặc sắc hiện tượng văn hóa Hồ Xuân Hương; những vấn đề về thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan toả của thơ Hồ Xuân Hương; vấn đề tiếp nhận và phát huy giá trị di sản của Danh nhân Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.
"Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương nguyên quán ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), là nữ thi sĩ nổi tiếng và tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa cuối thế kỷ XIX. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong 6 danh nhân được UNESCO vinh danh cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu.
Cho đến năm 2021, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, trong đó "Tiếng Việt qua thơ Hồ Xuân Hương" là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các "tài tử", "văn nhân" đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình.
Nghị quyết 41C/15 ngày 23/11/2021 của Đại hội đồng UNESCO thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh 200 năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - "Bà chúa thơ Nôm" của Việt Nam đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, xứng tầm là một Danh nhân văn hóa nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một thi hào.
PGS.TS Biện Minh Điền - giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh - cho rằng, Hồ Xuân Hương qua các thi tập đa dạng, độc đáo, tài hoa của bà như "Thơ nôm truyền tụng" (mảng thơ viết bằng chữ Nôm, được truyền tụng phổ biến trong dân gian, khoảng trên 100 bài), "Lưu hương ký" (gồm 24 bài thơ chữ hán và 28 bài thơ Nôm), "Hương đình cổ nguyệt thi tập" (gồm 9 bài thơ chữ Hán), "Đồ Sơn bát vịnh" (gồm 8 bài thơ chữ Hán), "Đề Vịnh Hạ Long" (gồm 5 bài thơ chữ Hán)… đã khẳng định tài năng thơ ca và cái tôi rất riêng của nữ sĩ.
Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền (quyền bình đẳng, quyền được yêu thương, hạnh phúc, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống) với tất cả những gì mà tạo hóa ban cho họ. Điều này được thể hiện trong các bài thơ của bà như "Bánh trôi nước", "Thiếu nữ ngủ ngày", "Đèo Ba Dội", "Động Hương Tích", "Vịnh cái quạt", "Dệt cửi", "Đánh đu".
Cùng với đó là tiếng nói phê phán mạnh mẽ các thế lực (chế độ phong kiến, giáo lý Nho giáo, các giới, loại người "phàm phu, tục tử") đã tạo ra những ràng buộc vô lý đối với con người, tạo ra sự bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, tạo ra những lề thói, hủ tục cản trở sự tiến bộ (Lấy chồng chung, Không chồng mà chửa, Thân phận người đàn bà). Bà cũng phê phán không khoan nhượng tệ tham nhũng, giả dối, lọc lừa của mọi hạng người vô liêm sỉ trong xã hội…
GS.TS Trần Đình Sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng, nhiều loại, mà thơ truyền tụng chỉ là một loại trong đó. Thơ Hồ Xuân Hương trong tập "Lưu hương ký" rõ ràng là thơ trữ tình đặc sắc cả chữ Hán và chữ Nôm thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người, một quan niệm văn hóa, thẩm mỹ độc đáo chưa từng có về các nhu cầu cơ bản của con người dưới chế độ phong kiến với tư tưởng Nho giáo kiềm tỏa nặng nề.
Di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử, tinh thần, ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp. Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người. Di sản của bà để lại có một sức sống mãnh liệt, lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia.
Là người dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Slovakia, bà Eva Antoshchenko Muckova - Nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia cho biết, trong những câu thơ của bà có âm điệu gợi tình, đầy châm biếm và mỉa mai; hay trong những bài thơ trữ tình, nữ thi sĩ đã để lại một kho tàng văn học cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX thăng hoa, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Còn bà Lady Borton - Nhà văn, Nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ nước Mỹ cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường. Và cũng như mọi nhà thơ khác, bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Nhưng bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp thi ca của bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam tiêu biểu như là những người thầy.
Với tấm lòng yêu mến, tâm huyết với việc tôn vinh và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sự hiểu biết uyên thâm, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ là sự tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới. Đồng thời, thông qua hội thảo sẽ có thêm nhiều phát hiện mới, có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân, cũng như đề xuất thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến, giải pháp hay được chia sẻ, thảo luận để giúp tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
C.P
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-nu-si-ho-xuan-huong-danh-nhan-van-hoa-va-gia-tri-di-san-a17833.html