Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg. Để triển khai thực hiện thống nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan Trung ương của các đoàn thể thực hiện một số nhiệm vụ.

binh-dang-1669787934.jpg
Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VNP

Về công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 1079/QĐ-TTg và thông tin phục vụ việc triển khai Đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, các bộ, ban, ngành liên quan, các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Quyết định 1079/QĐ-TTg; chỉ đạo, định hướng các cơ  quan thông tấn báo chí nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người; phản bác các luận điệu lợi dụng vấn đề quyền con người để xuyên tạc tình  hình nhân quyền Việt Nam. UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến nội dung Quyết định 1079/QĐ-TTg tới các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp; tuyên truyền, phổ biến các  nhiệm vụ tại Đề án trong hoạt động thông tin đối ngoại tại địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí, truyền thông trong và ngoài nước về tình hình bảo vệ, đấu tranh về quyền con người liên quan đến cơ quan, địa phương; xây dựng lập luận, phân công đơn vị,  nhân sự thực hiện trách nhiệm phát ngôn giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc thuộc phạm vi quản lý.  

Đối với việc hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý Đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền), Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, xây dựng, thực hiện cơ chế liên ngành trong chỉ đạo, triển khai kế hoạch  truyền thông, thông tin đối ngoại về công tác quyền con người; xây dựng hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quyền con người hằng năm; hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình khai thác, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu truyền thông; phối hợp với Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân  quyền) duy trì cơ chế hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hằng tháng; hướng dẫn các địa phương áp dụng cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí...

Cũng theo hướng dẫn, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho cán bộ chuyên trách  công tác thông tin đối ngoại, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Trung ương và địa phương; cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố Trung ương và địa phương; đội ngũ báo cáo viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Bộ Công an chủ trì tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền con người  trong lực lượng công an nhân dân. Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền  thông cho báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của các tổ chức đoàn thể. 

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối  hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an (Văn phòng Thường trực về Nhân quyền) triển khai hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ hằng tháng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các lực lượng tham gia công tác thông tin  đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố, ưu tiên phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản; các lực lượng làm công tác nhân quyền, truyền thông các cấp, nhất là cấp địa phương, cơ sở; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp  luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức đoàn thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn các nội dung về hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người; tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người; giám sát, đánh giá hiệu quả, sơ kết, tổng kết Quyết định 1079/QĐ TTg; kinh phí hoạt động... Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị đề nghị phản ánh về Bộ (qua đầu mối Cục Thông tin đối ngoại - Điện thoại: 024.3767.6666) để phối hợp, hướng dẫn.

TTXVN

Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-truyen-thong-ve-quyen-con-nguoi-a17646.html