Nhà Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số ít công trình ở Việt Nam thời thuộc Pháp được xây dựng ngay từ đầu để làm bảo tàng, trải qua 90 năm, thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động và qua nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa… cũng như đối tượng khách mà bảo tàng phục vụ nhưng công trình kiến trúc này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ đúng công năng sử dụng, bản thân công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị kiến trúc.
Kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình tòa nhà bảo tàng (1932-2022); chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2022), trưng bày "Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia" giới thiệu những tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá mà chúng ta rất cần phải trân trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế cho phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Trưng bày giới thiệu những tư liệu hiện vật, hình ảnh gắn với lịch sử 90 năm từ khi khánh thành công trình tòa nhà Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đến nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1932-2022). Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa, một phong cách kiến trúc kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng; sau đó là các thế hệ người Pháp, người Việt và đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục kế thừa, bảo tồn, phát huy hiệu quả. Những giá trị kiến trúc, công năng công trình và tri thức, kinh nghiệm quý giá trong quá trình thiết kế, xây dựng, sử dụng, cải tạo, phát huy đó cần được trân trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế cho phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Chủ đề 1: Lịch sử hình thành sẽ giới thiệu bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng công trình, giai đoạn đầu hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý của người Pháp (1932-1957) và những giá trị kiến trúc tiêu biểu.
Tháng 01 năm 1926, Bảo tàng được khởi công xây dựng trên diện tích 1.835 m2 tại vị trí Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cũ, phía sau Nhà hát Lớn, bên bờ sông Hồng. Rất nhiều khó khăn đã diễn ra trong quá trình triển khai thực hiện do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, vì vậy thời gian xây dựng kéo dài tới 6 năm. Ngày 17 tháng 3 năm 1932, lễ khánh thành công trình diễn ra dưới sự chủ trì của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot - tên của vị Giám đốc đầu tiên.
Những giá trị kiến trúc tiêu biểu của công trình Bảo tàng được thể hiện, trước hết, đây là kiến trúc được hình thành trong trào lưu đương thời theo xu hướng kết hợp Âu - Á. Tuy vậy, là một công trình đặc biệt - thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ - cơ quan chuyên nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày các hiện vật về văn hóa Phương Đông nên công năng và ngôn ngữ thể hiện yêu cầu có những dấu ấn mang tính tiêu biểu. Các kiến trúc sư Hebrard và Batteur đã thiết kế một bố cục mặt bằng tổng thể và hình khối thật sự ấn tượng, mang tính biểu tượng cao. Không gian đại sảnh có mặt bằng hình bát giác - lấy hình mẫu từ nhà bát giác phổ biến trong kiến trúc gỗ Á Đông, thông tầng tạo thành một điểm nhấn quan trọng cho toàn bộ bố cục hình khối công trình, đồng thời đây cũng là không gian có chức năng tập hợp - lan tỏa dòng người tham quan bảo tàng. Đại sảnh kết nối với không gian trưng bày chính là khối nhà dài hai tầng theo chiều dọc, các phòng trưng bày chuyên đề theo chiều ngang và cũng được lấy hình mẫu từ kiến trúc gỗ truyền thống.
Mặt đứng công trình, các chi tiết ngói âm dương, đầu đao, mái hiên, lan can, hàng cột, con sơn, đầu dư, đấu củng cùng những họa tiết truyền thống phương Đông được sử dụng khéo léo theo nhịp điệu, tạo thành một tổng thể hài hoà. Trong đó, hệ thống trang trí sử dụng phổ biến các dạng thức cách điệu văn kỷ hà.
Chủ đề 2: Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ giới thiệu mốc lịch sử quan trọng trong bước ngoặt chuyển giao công trình và cơ sở vật chất cùng khối tài liệu, hiện vật cho Chính phủ Việt Nam (1945-1946). Chủ đề 2 cũng giới thiệu quá trình tiếp nhận, các đợt chỉnh lý chuyển đổi nội dung, cải tạo không gian kiến trúc phục vụ lưu giữ, trưng bày nhưng công trình bảo tàng vẫn giữ đúng chức năng và giá trị kiến trúc, công năng sử dụng và bản thân công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị kiến trúc.
Từ đó, cho thấy việc thiết kế, sử dụng, cải tạo công năng công trình kiến trúc chắc chắn là những bài học kinh nghiệm quý.
Trong đó, nổi bật là các giai đoạn: giai đoạn (1945-1946); giai đoạn 1958-1965; giai đoạn 1965-1975; giai đoạn 1975-1986; giai đoạn 1986-1997; và giai đoạn 1998 đến nay.
Chủ đề 3: Bảo tàng Lịch sử quốc gia - chặng đường mới với những hiện vật khẳng định, trải qua 90 năm tồn tại, dù thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động, đối tượng khách tham quan, nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa nhưng công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu và được sử dụng đúng công năng vốn có. Công trình cũng đã trở thành di sản mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia mang trọng trách quản lý, sử dụng di sản quý giá này.
Đồng thời, nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tổ chức tiếp nhận hiện vật do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả cho Việt Nam.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indianna, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller (hiện đã qua đời), tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư đã lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người người Mỹ bản địa và của nước ngoài. Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7.000 đồ vật/hiện vật, Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu với các đồ vật này, hợp tác với FBI, mong muốn các đồ vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Ngày 27/2/2019, FBI công bố thông cáo báo chí trên website của FBI, tuyên bố mong muốn trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về với cộng đồng mà chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo về việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam. Ngày 6/5/2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan khẳng định việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận số cổ vật trên là đúng quy định theo điều 45 Luật Di sản văn hóa và giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận số cổ vật trên qua đường ngoại giao và lưu giữ, quản lý theo quy định.
Ngày 5/8/2022, được sự đồng ý và ủy quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Ngày 31/8/2022, tại Washington DC (Hoa Kỳ), đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã bàn giao cho Vụ châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) trực tiếp mang về Việt Nam để bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ngày 04/10/2022, tại Vụ Châu Mỹ (Bộ ngoại giao), đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng thành viên Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xem xét, giám định hiện vật và nhận bàn giao tổng số 10 hiện vật trên từ Vụ châu Mỹ (Bộ ngoại giao) gồm: 01 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 04 hiện vật (03 rìu đồng, 01 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn, 03 tượng cá sấu đá thế kỷ 1-2 SCN, 02 tẩu đồng thế kỷ 17-18.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp nhận, lưu giữ và hoàn thiện hồ sơ khoa học và tiếp tục nghiên cứu, lập kế hoạch phát huy giá trị của sưu tập hiện vật trong thời gian tới.
Hà An
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/trung-bay-ky-niem-90-nam-toa-nha-bao-tang-lich-su-quoc-gia-a17110.html