Trước đó, trong phiên họp ngày 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu. Đa số các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi của Luật; hồ sơ dự án Luật; bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi nhận thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; công chứng, chứng thực điện tử; tài khoản định danh điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; quy định chuyển tiếp; điều khoản thi hành…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi chiều 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kết quả như sau: Có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,57% tổng số ĐBQH), trong đó có 451 đại biểu tán thành (bằng 90,56% tổng số ĐBQH); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,60% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, kết quả như sau: Có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,97% tổng số ĐBQH), trong đó có 453 đại biểu tán thành (bằng 90,96% tổng số ĐBQH); có một đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số ĐBQH); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,80% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi sửa đổi; hồ sơ của dự án Luật; giải thích từ ngữ; việc áp dụng Luật Giá và các luật có liên quan; nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; nội dung quản lý nhà nước về giá; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước; Quỹ bình ổn giá; cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; việc công khai thông tin; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng; quản lý về giá, thẩm định giá; căn cứ, phương pháp, nguyên tắc định giá; thẩm định giá của nhà nước; hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; dịch vụ thẩm định giá; đăng ký hành nghề thẩm định giá; thẩm định viên về giá; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; bình ổn giá; định giá; hiệp thương giá; kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; hiệu lực thi hành…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
V.T
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/ngay-1411-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-va-thong-qua-3-du-an-luat-a16938.html