Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã xác định đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia, tỉnh Thừa Thiên Huế có hầu hết các tài nguyên để tiến hành xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ. Với những lợi thế đó, định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe được đánh giá có ý nghĩa lớn trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế, đáp ứng ngày càng tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu, xu hướng của thị trường. Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhận định rằng, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam, chỉ mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia đánh giá du lịch chăm sóc sức khỏe tương đối phù hợp và có khả năng phát triển ở Việt Nam bởi nước ta sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thích hợp. Hiện nay, nhiều địa phương đã chú trọng hơn tới việc phát triển loại hình du lịch đặc biệt này, tổ chức nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận,Thừa Thiên Huế…
Tuy vậy, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chưa thực sự phong phú, đa dạng và còn hạn chế về chất lượng. Hơn nữa, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe chưa nhiều. Sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường đối với dòng sản phẩm này cũng chưa được thực hiện hiệu quả, bài bản.
“Thừa Thiên Huế cần một chiến lược phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe có tầm nhìn và tư duy “đột phá”. Hai thành tố định hướng cốt lõi là “khác biệt” và “đẳng cấp“, nhằm mang lại sự tận hưởng cho du khách để có một ngành dịch vụ đẳng cấp, chất lượng đúng nghĩa, mà trong đó du lịch chăm sóc sức khỏe được xác định đúng vị trí, vai trò đóng góp tạo dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng lợi thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của Thừa Thiên Huế là rất lớn. Tỉnh cần đầu tư phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe - trị liệu; trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng các khu nghỉ dưỡng tiện nghi với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; mở rộng các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như: spa, massage trị liệu, tắm dược liệu, tắm khoáng; các hoạt động thể thao ngoài trời gắn với thiên nhiên…
Cùng với đó, phát triển các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bao gồm tour du lịch thiền, yoga tại những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng; Tour du lịch giảm cân ở những nơi có địa hình cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp núi, biển, thực hiện chế độ ăn kiêng, tham gia các vận động nhẹ: chạy bộ trên bãi biển, bơi lội, leo núi… Kết hợp sau hoạt động thể chất nhẹ với các hoạt động nhằm thư giãn như: hoạt động massage trị liệu, tắm khoáng, tắm thuốc thảo dược…
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, thời gian qua Sở đã khảo sát và đánh giá tiềm năng và hiện trạng của các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm định hướng và quy hoạch phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn. Trong đó, tập trung đa dạng hóa các sản phẩm của loại hình này theo hướng bền vững; kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển dòng dịch vụ này; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dòng sản phẩm loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe; kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp lữ hành để hình thành các tour tuyến phù hợp và tích cực quảng bá các sản phẩm của loại hình du lịch này tại các diễn đàn, hội chợ du lịch và các kênh truyền thông.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để giúp tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thức rõ ràng hơn về sản phẩm cũng như cách thức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại diễn đàn cũng diễn ra hoạt động ký kết hợp tác giữa ngành Du lịch với ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế; ký kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh.
Bên lề diễn đàn, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức không gian trưng bày giới thiệu các cơ sở và các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại địa phương. Trước đó cũng đã diễn ra chương trình khảo sát thực tế các điểm đến; dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe; những dịch vụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe mang tính bổ trợkhi du khách đến Huế du lịch.
TITC
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/thua-thien-hue-dinh-huong-phat-trien-du-lich-cham-soc-suc-khoe-dang-cap-chat-luong-cao-a16925.html