Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nghe: (1) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; (2) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (3) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (4) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; (5) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022; (6) Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; (7) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Sau đó, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên thảo luận đã có 33 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo; thống nhất thời gian lấy số liệu các báo cáo từ 01/01 đến 31/12 hằng năm và trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm; bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau:
1. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2022 (diễn biến, tính chất và đặc điểm mới của tội phạm và vi phạm pháp luật so với năm 2021, những vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên mà dư luận xã hội và cử tri quan tâm và nguyên nhân); dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới; những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội là những nguyên nhân dẫn đến tội phạm, vi phạm pháp luật; các giải pháp khắc phục; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực: trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, tội phạm giết người, tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng... Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để có giải pháp hạn chế phát sinh vi phạm, tội phạm trong một số lĩnh vực nổi lên trong năm 2022; chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.
2. Về báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Có ý kiến đại biểu đề nghị cần tăng cường hiệu quả của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; bổ sung nội dung công tác của Viện kiểm sát quân sự trong báo cáo.
3. Về báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ, việc dân sự; công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của TAND các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; kết quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội. Có ý kiến đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tập trung rà soát số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ các năm trước chuyển sang để ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, qua đó, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
4. Về công tác thi hành án: Công tác thi hành án dân sự (công tác chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ án trọng điểm, các vụ án kinh tế, tham nhũng; các giải pháp xử lý án dân sự tồn đọng qua nhiều năm chưa thi hành được); công tác thi hành án hình sự (công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình; tình trạng phạm nhân vi phạm tại các cơ sở giam giữ); công tác thi hành án hành chính (công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính và giải pháp để khẩn trương thi hành các bản án tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm). Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan thi hành án; chú trọng biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, chứng khoán.
5. Về công tác phòng, chống tham nhũng: Tình hình tham nhũng hiện nay; ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng (kết quả đạt được; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị; những hạn chế, khó khăn, bất cập, nguyên nhân và giải pháp); tính khả thi, hiệu quả của những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Có ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
6. Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức: Các ý kiến đại biểu nhất trí với thời hiệu xử lý kỷ luật đổi với cán bộ, công chức, viên chức quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
7. Về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu: Các ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu nhằm tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu, nhất là Séc và các nước trong khối Schengen.
Thứ Tư, ngày 09/11/2022: Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu; Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
P.V
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/thong-cao-bao-chi-so-16-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-a16710.html