Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng chủ trì hội nghị.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an, Ủy ban nhân dân một số địa phương cùng các chuyên gia về văn hóa, dân tộc tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Xuân Phương nhấn mạnh, việc đánh giá kỹ lưỡng giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp cho Quốc hội và bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương có phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã có nhiều tin, bài phản ánh về sự việc “bắt vợ” diễn ra tại một số địa bàn miền núi phía Bắc. Sự việc nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tháng 2/2022, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá về tục “bắt vợ”.
Qua khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, hiện nay, trong cộng đồng đồng bào ở 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang vẫn còn 2 luồng ý kiến: Một bộ phận đồng bào người Mông, Dao cho rằng, từ nhiều năm nay đã không còn duy trì tục “bắt vợ” hay “kéo vợ” để tiến tới hôn nhân trong đồng bào người Mông, Dao, nên có thể chấm dứt tục này để thanh niên nam, nữ tự tìm hiểu, tiến đến hôn nhân như thông thường. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác, nhất là ở Lào Cai, đa phần người già và trung niên cho rằng, tục kéo vợ là phong tục tốt đẹp, một phần trong nghi thức cưới hỏi của người Mông.
Thảo luận tại tọa đàm, các chuyên gia về cơ bản nhận định, đây là một phong tục, tập quán hôn nhân thể hiện bản sắc riêng, có những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông. Tuy nhiên, việc có nên tiếp tục duy trì hay nên chấm dứt còn tùy thuộc vào kết quả xây dựng nếp sống văn hóa mới lành mạnh và việc đấu tranh với những biểu hiện “biến tướng”, vi phạm pháp luật xung quanh các sự việc liên quan đến tục “bắt vợ” ở từng địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, cần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên cần xử lý nghiêm nhằm loại trừ những biến tướng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, cản trở sự phát triển chung của xã hội và gây ra nhiều hệ lụy khó lường...
Đánh giá cao những ý kiến tham luận tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “bắt vợ”; nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở, công tác giáo dục trong nhà trường về hôn nhân và gia đình, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, những biến tướng tiêu cực trong đời sống văn hóa, phong tục tập quán, trong đó có tục “bắt vợ”; triển khai tốt các chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’Đăm cho rằng, cần phân biệt rõ giữa nét đẹp văn hóa truyền thống và những biến tướng sai lệch gây ảnh hưởng đến quyền tự do về thân thể, vi phạm quy định pháp luật, để có những giải pháp cụ thể nhằm giữ được những giá trị tốt đẹp, sàng lọc những gì không còn phù hợp, ngăn chặn những biến tướng, lợi dụng tập tục cổ truyền.
TTXVN
Link nội dung: https://thethaovietnamplus.vn/can-xu-ly-nghiem-nham-loai-tru-nhung-bien-tuong-cua-tuc-bat-vo-a1585.html